Lộ trình nghề nghiệp dài hơi của ScrumMaster, nhìn từ CSM

— Phỏng vấn anh Phạm Anh Đới, chuyên gia Scrum. 

ABF: Xin anh cho biết tại sao các ScrumMaster nên quan tâm tới các chứng chỉ quốc tế, như CSM chẳng hạn?

PAĐ: Trong cộng đồng chúng ta tồn tại hai xu hướng đối nghịch nhau. Xu hướng đầu tiên là quá coi trọng các chứng chỉ, bằng cấp mà quên đi các giá trị thực là năng lực của con người. Một số người chỉ ôn thi để lấy chứng chỉ mà không quan tâm vào việc học tập và thực hành để có kiến thức và kỹ năng do đó có chứng chỉ nhưng không có tay nghề.

Có lẽ do tồn tại lượng người đầu tiên này nên chúng ta thấy cái chứng chỉ/bằng cấp không có giá trị, nên sinh ra xu hướng thứ hai: Chúng ta cứ học và thực hành mà không quan tâm tới chứng chỉ/bằng cấp. Những người này lại gặp một số khó khăn trong giao lưu với cộng đồng nghề nghiệp, sự tin tưởng cũng như lộ trình nghề nghiệp.

Khi giao lưu với một người lạ (ví dụ như khách hàng hoặc nhà tuyển dụng), họ không biết chúng ta là ai thì một chứng chỉ giúp xác lập ngôn ngữ chung, như một bản giới thiệu ngắn gọn và thiết lập uy tín nhất định lúc ban đầu.

Hơn nữa, các chứng chỉ quốc tế thường được xây dựng trên một lộ trình nghề nghiệp. Do vậy, nếu chúng ta không quan tâm tới các chứng chỉ/bằng cấp thì mình cũng khó xác định xem mình đang ở đâu trong lộ trình nghề nghiệp, còn thiếu những gì để bổ xung tiếp theo.

Cuối cùng, khi có các chứng chỉ quốc tế như CSM, chúng ta có cơ hội để tham gia vào mạng lưới chuyên gia toàn cầu, các hội thảo để nâng cao trình độ, tìm kiếm tư vấn.

ABF: CSM có phải là chứng chỉ quốc tế uy tín nhất về Scrum không, thưa anh

PAĐ: Chứng chỉ CSM được cấp bởi tổ chứ đầu tiên về Scrum là ScrumAlliance. ScrumAlliance là tổ chức có lẽ là uy tín nhất trong cộng đồng Agile toàn cầu bởi sự đông đảo của các chuyên gia đầu ngành của Agile cũng như sự ảnh hưởng thông qua các sự kiện tạo dựng và lan toàn cộng đồng toàn cầu.

Nếu chúng ta xét về mặt được thừa nhận rộng rãi bởi cộng đồng chuyên môn thì đây là cộng đồng Agile lớn nhất và tốc độ phát triển cũng lớn nhất với trên 540.000 người.

Tuy nhiên trên thế giới cũng còn nhiều các tổ chức khác cũng cung cấp các chứng chỉ Agile khác có uy tín như PSM – I của Scrum.org với trên 150.000 người, Agile Fundamental của IC – Agile, PMI – ACP về quản trị dự án của tổ chức PMI uy tín.

ABF: Sau CSM, lộ trình chuyên nghiệp của một ScrumMaster là gì?

PAĐ: ScrumAlliance đã thiết kế lộ trình nghề nghiệp khá dài cho một ScrumMaster chuyên nghiệp.

Sau khi có CSM, ứng viên sẽ làm việc như ScrumMaster hoặc thành viên nhóm Phát triển khoảng 2 năm và dĩ nhiên là liên tục học tập thì sẽ đạt được CSP. Sau đó khoảng 2 năm, ScrumMaster huấn luyện các nhóm để trở thành Agile Coach (CTC) và các chứng chỉ cao nhất trong nghề Agile là CEC và CST.

CSM - Certified ScrumMaster

ABF: Tham dự khóa học CSM, liệu “đẳng cấp” Scrum có tăng đột xuất không, thưa anh?

PAĐ: Khóa học CSM giúp chúng ta có trải nghiệm với các chuyên gia thực thụ của Scrum, từ đó có Agile Mindset cũng như những hiểu biết về các phương pháp thực hành căn bản trong Scrum. Do đó nếu người học mới có chút kiến thức giới hạn về Agile, Scrum thì khóa học này có sức mạnh khai sáng. Nhưng mức độ khai sáng thế nào lại còn phụ thuộc vào sự chuẩn bị và sự tham gia tích cực của chính người học.
Ngoài ra, tới khóa học CSM, thường thì người ta còn có giá trị lớn khác là thiết lập và mở rộng mạng lưới kết nối có chất lượng cao tới cộng đồng chuyên môn, cả cộng động bản địa và quốc tế.

ABF: Khi nào thì không nên lấy chứng chỉ CSM?

PAĐ: Đây là một khoản đầu tư, nên chúng ta thử xem xét ROI (Return On Investment) có hiệu quả. Nếu bạn trả lời đúng cho tất cả những câu trả lời sau thì đúng hoặc giá trị ở những lợi ích này rất ít so với số tiền và thời gian bạn phải bỏ ra thì bạn không nên lấy chứng chỉ này.

  • Bạn đã đủ trải nghiệm về Agile, Scrum với các chuyên gia hàng đầu
  • Không cần phải giới thiệu mình với người lạ như khách hàng, người trong cộng đồng, v.v. vì đã có đủ uy tín hoặc không cần mở rộng network.
  • Không cần tham gia vào mạng lưới chuyên gia toàn cầu hoặc đã có đủ.

ABF: Xin anh hãy chia sẻ về quá trình đi từ một người thực hành Scrum, tới Certified ScrumMaster, CSP và Scrum Coach được không?

PAĐ: Nếu bạn là một người thực hành Scrum, cách tiếp cận thông thường là chúng ta sẽ học từ sách vở, đi hội thảo, một khóa học trực tuyến, v.v.. Tuy nhiên, sau một thời gian, những vấn đề thực tế cũng như những câu hỏi sâu sắc hơn sẽ xuất hiện. Lúc này, chúng ta thường cần có một cách tiếp cận bài bản cũng như việc kết nối với một cộng đồng chuyên gia rộng lớn hơn giúp chúng ta đi xa hơn. Chứng chỉ CSM là một giải pháp phù hợp.

Sau một vài năm thực hành thêm, chúng ta có kinh nghiệm phong phú và kiến thức sâu sắc hơn, lúc này để xác nhận lại trình độ của mình, chúng ta có thể lấy chứng chỉ CSP (Certified Scrum Profesional). Nếu lấy được chứng chỉ CSP, bạn đã có kiển thức và kinh nghiệm đủ để thực sự trở thành một người thực hành Scrum chuyên nghiệp, đánh dấu một mốc quan trọng trong sự nghiệp của mình.

Bạn đã có kiến thức và kinh nghiệm Scrum, bạn bắt đầu giúp đỡ người khác thông các hoạt động memtor, coach. Bạn đã giúp nhiều người hơn nhận được giá trị từ việc thực hành Scrum. Sau đó bạn học thêm những kiến thức, kỹ năng và phương pháp làm việc của một huấn luyện viên (Coach) để trở thành một Agile Coach.

Đây là một chặng đường thú vị và cũng đầy thử thách, đòi hỏi sự kiên trì học tập, thay đổi bản thân. Chính tôi đã trải qua con đường này và đang tiếp tục theo đuổi con đường đó để góp phần nhỏ bé của mình cùng gây dựng thêm nhiều ScrumMaster và nhà lãnh đạo Agile xuất sắc cho Việt Nam.

Xin cảm ơn anh rất nhiều, và chúc anh có thêm nhiều đóng góp cho cộng đồng Scrum tại Việt Nam.

Tú Trâm (thực hiện).

phản hồi