AgiCoffee #9: Trải nghiệm Scrum tại công ty làm Game trẻ

Năm 2016, Học viện Agile bắt đầu triển khai chuỗi sự kiện AgiCoffee hằng tháng nhằm tạo cộng đồng tư vấn và học hỏi từ những người đã thực hành và các chuyên gia Agile. AgiCoffee #9 với chủ đề “Trải nghiệm Scrum tại công ty làm Game trẻ” đã mở màn cho chuỗi sự kiện này trong 2017.

Agile Coffee 9

Tại AgiCoffee #9, câu chuyện thực tế về việc áp dụng Scrum tại 2 công ty làm game – Thủ đô Multimedia và Zonmob –  đã được 2 diễn giả chia sẻ rất thẳng thắn. Họ đã cùng nhau kể lại cho người tham gia câu chuyện làm Scrum từ những ngày đầu đến những thành công hiện tại và cả những thách thức đang phải đối mặt.

Phạm Anh Tuấn người đang đảm nhận vị trí ScrumMaster, đồng thời là Co-Founder và Manager tại công ty Zonmob đã bắt đầu buổi chia sẻ bằng cách kể lại tỉ mỉ về việc áp dụng Scrum từ những ngày đầu, việc thực hiện các Sprint, Product Backlog, Sprint Backlog,… Anh Tuấn cũng cho biết kết quả nổi bật nhất khi Zonmob áp dụng Scrum là: nhóm dự án đã có thể trải nghiệm Game sớm hơn, kế hoạch phát hành được cập nhật thường xuyên, thông tin dự án minh bạch, rủi ro được phát hiện sớm và marketing tham gia sâu hơn vào quá trình phát triển sản phẩm. Trong giai đoạn hiện tại, Tuấn và Zonmob vẫn đang băn khoăn làm thế nào để đo lường và kiểm soát chất lượng được tốt hơn nữa.

agicoffee Pham Anh Tuan Zonmob

Người đảm nhận vị trí ScrumMaster tại Thủ đô Multimedia là Nguyễn Thị Phượng, một phụ nữ rất nhỏ nhắn nhưng đầy nội lực. Phượng bắt đầu câu chuyện của mình với việc chia sẻ lý do vì sao mình và công ty lại tìm đến Scrum và từng bước thuyết phục để Scrum được triển khai thử nghiệm trong 1 nhóm dự án. Đánh giá lại quy trình triển khai Scrum trong nhóm làm Game, Phượng cho rằng mình và nhóm may mắn được sự hỗ trợ rất lớn từ lãnh đạo. Bởi vậy suốt quá trình triển khai Scrum bản thân ScrumMaster và nhóm không cảm thấy đơn độc mà có thể được trợ giúp và tạo điều kiện rất thuận lợi. Các thành viên trong nhóm dự án cũng rất trẻ và nhận thức sớm được những ưu điểm của các sự kiện và tạo tác trong Scrum. Nhờ triển khai Scrum nhóm cũng sớm nhìn thấy sản phẩm mình làm ra nên rất háo hức cũng như có thể lấy phản hồi sớm nhằm đưa ra những cải tiến kịp thời. Bởi vậy qua từng Sprint nhóm dự án đã trưởng thành dần lên.

Agile Coffee Nguyen Thi Phuong Thu Do Multimedia

Sau mấy tháng triển khai Scrum, Phượng cũng như nhóm dự án thấy rằng một số Sprint đầu rất áp lực do chưa quen mô hình làm việc mới. Chia việc chưa kỹ trong khi lập kế hoạch nên lúc thực hiện còn phải bổ sung nhiều việc ngoài dự tính. Việc tích hợp và kiểm thử muộn trước buổi Sơ Kết Sprint cũng gây ra những thiếu sót nhất định về tính năng và lỗi. Phượng và nhóm đang tìm cách để khắc phục những tồn tại này.

Từ những chia sẻ của 2 khách mời, người tham gia trong buổi AgiCoffee #9 đã đặt ra những câu hỏi cho khách mời cũng như trao đổi về các cách thức để triển khai việc ước lượng, lập kế hoạch được tốt hơn. Rất nhiều người tham gia đã có nhiều kinh nghiệm triển khai Scrum đã tư vấn và chia sẻ về những vấn đề, khó khăn khi triển khai Scrum tại Zonmob và Thủ đô Multimedia như cách để ScrumMaster phát hiện vấn đề sớm hơn, cách đo năng suất bằng Function Point, v.v..

Buổi chia sẻ đã diễn ra trong không khí gần gũi, cởi mở và thẳng thắn. Cả khách mời và người tham gia đều sẵn sàng trao đổi, phản biện và tư vấn về việc áp dụng Scrum. Chính tinh thần này đã tạo nên thành công của sự kiện lần này.

phản hồi