Tôi ăn sáng hàng ngày bằng những thất bại

Trong cuốn sách “The Startup Way” mới xuất bản giữa tháng 10 năm 2017, tác giả của phương pháp Khởi nghiệp tinh gọn (Lean Startup) nổi tiếng, Eric Ries có dùng câu “I eat failure for breakfast” để chỉ cái tinh thần chấp nhận “thất bại sớm, thất bại thường xuyên” cần phải có ở mỗi người khởi nghiệp. Đây cũng là tư duy có phần lạ lẫm đối với nhiều nhà khởi nghiệp ở Việt Nam.

i-eat-failure-for-breakfast

Người ta hay dọa nhau rằng “mười người khởi nghiệp, chín người chết”. Thực ra, như thế không có gì bất bình thường cả. Khởi nghiệp là một cuộc chơi có quá nhiều ẩn số mà kể cả người đã dày dạn lẫn người mới tinh đều có thể vấp ngã vì tính phức tạp và biến động lớn. Điều quan trọng ở đây là: hãy tiếp nhận cái thực tế “không thể dự báo” của việc startup theo một cách khác.

Theo Eric Ries, mỗi một mô hình kinh doanh mà startup đang theo đuổi, hay một đối tượng khách hàng đang tập trung, hoặc một sản phẩm đang xây dựng đều là các giả định (hypothesis) cần phải được kiểm chứng. Nếu giả định đúng, startup có thể tiếp tục, nếu không thì biến nó thành bài học và thực hiện thay đổi (pivot). Cái tư duy đậm chất phương pháp luận khoa học này chính là một trong những trụ cột của phương thức làm việc của những nhà khởi nghiệp tinh gọn được tiếp nhận rộng rãi hiện nay.

Hãy thất bại nhanh, thất bại thường xuyên “fail fast, fail often”. Tức là, hãy bắt tay vào việc xây dựng sản phẩm, chuyển giao thật sớm tới khách hàng, và sẵn sàng đón nhận thất bại càng sớm càng tốt. Khởi nghiệp thông minh không phải là làm kế hoạch thật chi tiết và dốc hết tiền tiết kiệm để xây dựng dựng một sản phẩm “vĩ đại”, “đột phá” với một danh sách dài các tính năng “tuyệt vời”, “siêu chất”, để rồi một năm sau nhận ra tất cả những thứ “tuyệt diệu” không ai chấp nhận cả.

Trong thế giới biến động không ngừng, sự tiên lượng dường như rất xa xỉ bởi sự phức tạp vượt quá tầm hiểu biết và kiểm soát của con người. Vì vậy cách tốt hơn là đừng có quá tự tin về sự tiên đoán (nhất là những tiên đoán kéo dài hàng năm trời), mà hãy tự tin mà ‘chập chững’ bước đi; đưa ra các giả định về giá trị, về tính năng, về khách hàng và tìm cơ hội kiểm chứng càng sớm càng tốt.

Người khởi nghiệp có thể tạo ra các bản mẫu (prototype) thật nhanh rồi đi phỏng vấn khách hàng, hoặc tung ra phiên bản tối thiểu (MVP) để xem phản hồi của khách hàng, thật sớm, rồi thu lấy bài học và tiếp tục công việc. Startup sẽ phải đi bằng hai chân: vừa phát triển sản phẩm, và vừa phải phát triển khách hàng.

Sự khác biệt trong tiếp cận của Lean Startup nói chung chính là ở chỗ này: Thực tiễn sẽ dạy ta thông tin ta cần biết, cái ta cần phải làm. Và để biết được điều đó thì cách tốt nhất là bắt tay vào thực tiễn và chấp nhận sai lầm. Những sai lầm không quá lớn đó sẽ cung cấp cho đội ngũ startup những bài học bằng vàng để tiếp tục điều chỉnh để tìm ra được mô hình kinh doanh tối ưu.

Quá trình học tập có kiểm chứng này (validated learning) mang lại dữ liệu thật, hiểu biết thật về thị trường, về các giả định của mình, chứ không phải là những “mong muốn” và “ý tưởng” vốn đầy chất thơ của thuở hào hứng ban đầu.

Build-Meansure-Learn

Chu trình phản hồi khép kín Build-Measure-Learn (Xây dựng-Đo đạc-Học hỏi) của Lean Startup cung cấp một khung làm việc hữu hiệu, tạo thành một kỉ luật mang tính khoa học để nhà khởi nghiệp bước từng bước chắc chắn. Với việc thu nhỏ thời gian vận hành chu trình này, sự thất bại không những không đáng sợ, mà lại là nguồn gốc của những bài học cô cùng quý báu và cần thiết.

Dương Trọng Tấn.
Nguồn: Doimoisangtao

[sharify] [vivafbcomment]