Không ít lần chúng ta từng nghe về việc ngôi sao này, diễn giả kia hát hay, nhảy đẹp, nhưng gu ăn mặc thì tệ khó nói. Rốt cục thời trang đúng nghĩa và chuyên nghiệp có thể bóc tách được cái tệ đó không? Không có chuẩn mực cân đo đong đếm, thời trang đâu thể phát triển chuyên nghiệp và làng mốt đâu thể định vị những nhà thiết kế đỉnh cao?
Typography cũng như áo quần, nó là thời trang từ bảng alphabet, không chỉ là giao diện của đế chế truyền thông mà còn quyết định hiệu quả của những ấn phẩm nhỏ nhất hàng ngày, dù là một cái mác quần hay một tấm danh thiếp.
Con người trong xã hội đều mặc quần áo cũng như chữ hiển thị trong truyền thông hầu hết đều phải qua một bộ font. Nhưng mặc có ý thức thời trang không cũng như sử dụng font chữ có tôn trọng giá trị công năng của mặt chữ không lại là chuyện khác. Nếu như thời trang thể hiện giá trị người mặc, thì typography thể hiện giá trị nội dung chữ cần truyền tải.
Có trang phục chỉ để che thân, cũng như có font chữ chỉ để gõ được thành chữ . Có trang phục thành chuẩn mực xã hội, cũng như có font chữ thành chuẩn máy tính, ai viết email cũng phải dùng thì người nhận mới đọc được. Có trang phục theo công năng chuyên biệt như áo dạ quang để làm việc đêm trên phố …chữ cũng thế, có những font được khoét rãnh để “bẫy mực” – chỉ dùng in trên báo giấy có độ loang nhòe mà không phù hợp ở các môi trường khác.
Từ khi máy tính ra đời và Internet bùng nổ vũ bão, các font chữ ùn ùn tràn ngập và ai cũng có thể dùng mà không cần nghiên cứu. Ngoại trừ số ít những người có nghề và thẩm mỹ, chữ không còn được dùng có chọn lọc tính toán mà bị dùng vô cùng tùy tiện, rơi vào khủng hoảng cả về công năng lẫn thẩm mỹ, không khác gì thế giới bỗng nhiên được sở hữu một biển quần áo khiến con người không biết mình phải mặc thế nào, hoặc mặc vô tội vạ ra sao tùy thích. Các lỗi typo từ nhỏ lẻ đến nghiêm trọng xảy ra khắp nơi, con người sống chung với những lỗi tai hại đó và qua thời gian, phá hoại thẩm mỹ của không ít thế hệ, giống như một em bé lớn lên bị nghe nhạc sai tone một cách bị động và thiết lập sự sai tone như chuẩn âm nhạc của mình.
Tựu chung lại, thì các vấn đề của typography hiện nay có thể quy về vài nhóm lỗi lớn:
+ Lỗi tín hiệu học tạo hình: Ví dụ dùng font họ hình cong uyển chuyển để nói về an toàn xây dựng …
+ Lỗi tín hiệu học xã hội: Gây ẩn dụ sai về nội dung truyền thông và gián tiếp lan truyền cách hiểu sai trong cộng đồng … ví dụ dùng kỹ thuật phần mềm để làm những bức lettering hoa mỹ khiến nhiều người lầm đó là typography …
+ Lỗi nguyên lý thị giác: Không theo quy tắc tiếp nhận chung của thị giác như nguyên lý dính rời, đồng nhất – tương phản, cân bằng trắng, xung đột nhìn – đọc, “sông trắng” trong paragraph …
+ Lỗi thi công sản xuất: Ví dụ logo truyền hình nhưng lại có nhiều nét thanh mảnh và góc cua nhỏ, gradient yếu, gai mắt khi hiển thị trên màn hình nhiều điểm ảnh chuyển động và phát sáng …
+ Không chỉ là những lỗi trong thiết kế đồ họa, lỗi typography có thể gặp trong slide bài giảng, slide thuyết trình, tấm danh thiếp, biển cảnh báo, bằng khen, … tất cả mọi nơi xuất hiện nội dung chữ.
Không ít lần, các designer không thể thuyết phục khách hàng giảm thiểu font chữ cho biển hiệu cửa hàng họ đang sở hữu, hay cuốn sách kinh doanh họ đang in. Khách luôn khăng khăng nhiều font và phải to, nhiều màu mới nổi, khác hẳn giao diện tinh giản chỉ 1 dòng font trong chiếc smartphone sành điệu anh ta đang dùng. Anh ta không biết typography trong chiếc smartphone đó được thiết kế chặt chẽ đến không thừa thiếu một pixel nào để có thể hiển thị tối ưu theo chuẩn đồng bộ hóa, đẹp thông minh và thực dụng đến khốc liệt. Chọn chữ rườm rà, cảm tính cho sản phẩm ứng dụng cũng như mặc những bộ quần áo sặc sỡ không hợp chỗ, không vừa người.
Trung tâm của trường nhìn mắt người là vùng nhìn nét – vùng điều tiết linh hoạt này quyết định mọi khuôn khổ sản phẩm, mọi độ phân giải in ấn – hiển thị. Nó quyết định vì sao ký tự nên được định hình – tiền đề đánh bạt tiêu chí xấu đẹp của các bộ font. Mỗi bộ font lớn sinh ra đều phục vụ cho một mục đích nhất định nào đó, vì phục vụ tốt nên nó mới trở nên có tiếng. Cũng giống như quần áo, luôn được sinh ra cho một mục tiêu nhất định và quần áo tốt thì không thể dùng tùy tiện ở mọi nơi.
Typography hay thời trang đều không phải sự bắt buộc. Nhưng nếu ăn mặc tôn trọng cộng đồng là biểu hiện tối yếu với con người văn minh, thì typography nên được coi trọng và phổ biến mạnh mẽ để trả lại đúng giá trị của nó, để không chỉ góp phần truyền thông đúng, truyền tải đủ giá trị văn hóa, thẩm mỹ, mà còn giúp con người giao tiếp khoa học, hành dụng hơn. Khi cái đúng, cái hợp lý trở nên tự nhiên như không khí, thì cái đẹp và cái tinh tế sẽ ra đời.