Mình vừa thi và đạt chứng chỉ PSM I nên ghi lại vài kinh nghiệm mà theo mình nó sẽ giúp cho các bạn chinh phục kỳ thi PSM I. Hi vọng giúp được các bạn phần nào. Sau đây là 4 bí kíp đem lại kết quả tốt khi thi chứng chỉ PSM I của mình:
1. Learn your track
Cách tiếp cận của mình là với bất kỳ một môn nào cũng phải đi từ các khái niệm căn bản cho dù khái niệm tưởng chừng như rất đơn giản. Do đó mình đọc rất kỹ Scrum Guide bản mới nhất. Vì mình đã xác định tự học nên cứ nhẩn nha đọc, không ham đọc nhiều mà chú trọng việc hiểu. Đọc đến bao giờ cảm thấy nắm bắt được phần hiện tại thì mới đọc phần tiếp theo, vì thế có khi một ngày mình chỉ đọc được 3-4 trang, quan trọng là ngày nào cũng phải đọc. Để tự học thì quan trọng nhất là xây dựng thói quen, tự đưa mình vào khuôn khổ. Cũng may mình có nhiều kinh nghiệm tự học từ hồi học thi PMP.
Ngoài ra lần này mình kết hợp vừa đọc vừa list up các keywords (tự lọc lấy keyword) của mỗi phần để hiểu sâu hơn. Thực tế lúc list up keywords mình lại nhìn ra được một số điểm mới mà nếu chỉ đọc không thì bị bỏ sót, ví dụ nhìn ra một số phần nhấn mạnh keyword value, một số nhấn mạnh key word process aspects, chỉ có một chỗ dùng key work project chẳng hạn.
Kết thúc giai đoạn này mình đọc được khoảng 4 lần Scrum Guide, ngoài ra đọc 1 lượt Scrum Primer và đọc khoảng nửa quyển Scrum and XP from trenches, đều bằng tiếng Anh (mình không có thói quen đọc sách kỹ thuật bằng tiếng Việt).
2. Practice
Đi thi chứng chỉ thì việc làm bài tập, mock test cũng là phần không thể thiếu. Việc test sẽ giúp ta hệ thống hóa các khái niệm và khảo sát sự vận hành hệ thống khái niệm đó. Những câu trả lời sai sẽ giúp ta nhìn ra điểm chưa hợp lý để ta tự điều chỉnh hệ thống khái niệm của mình cho phù hợp. Khác với PMP, PSM có rất ít đề mock. Cũng hỏi một số mối quen biết và search thử nhưng chưa thấy. Mình chỉ có luyện mỗi đề ở http://hocvienagile.com/psm1-practice-exam/. Đề ở đây cho biết ta làm sai câu nào, đáp án đúng là gì nên làm đến lần thứ 3 là đã có thể đạt 100% rồi, mỗi lần làm chỉ khoảng 7-10 phút nên cái khoản thực hành này không tốn thời gian lắm. Tuy nhiên cái này lại dẫn đến hạn chế sẽ được trình bày sau.
3. Go to the grand prix
Mình mua password trước ở link của scrum.org (https://store.scrum.org/cart/add). Thanh toán online bằng credit card (đi mượn) rất nhanh chóng và về sau nhận được Invoice pdf. Password mua thì họ gửi về email. Mua hôm trước thì hôm sau mình quyết định sẽ thi sớm nên vào scrum.org đăng ký tài khoản. Lưu ý tên mình để trong account thế nào thì về sau tên trên certificate và trên Certification List online cũng sẽ theo như vậy. Ví dụ First name: Nam, Last name: Nguyễn Văn thì về sau mọi thứ sẽ ra là “Nam Nguyễn Văn”. Ai muốn tên y hệt trên CMND thì phải đăng ký ngược lại. Về cách thức để thi thì cứ theo hướng dẫn trong email support (tiếng Anh) do scrum.org gửi sau khi mình mua password là xong.
Về đề thi:
Trước khi đi thi mình có hỏi một vài người đã có kinh nghiệm thi, cũng chỉ tìm google thôi và cũng chỉ ra một người. Theo người này thì đề thi thực tế và đề thi online của Scrum Open là chung một cơ sở dữ liệu. Mà đề Scrum Open (https://www.classmarker.com/online-test/start, đề này giống hệt đề trên http://hocvienagile.com/psm1-practice-exam/) thì mình thấy rất dễ, nên bạn ấy nói như vậy thì mình khá tự tin và cho rằng đề PSM I dễ, khả năng đỗ là chắc chắn. Thực tế buổi tối lúc đăng ký account xong định vào thi luôn song lại thấy hơi mệt nên thôi. Về sau nghĩ lại thì đó là quyết định đúng. Hôm thi mình xin nghỉ ở nhà, sáng dậy cho con ăn uống rửa bát xong xuôi rồi mới vào mạng, đầu tiên là làm lại một bài http://hocvienagile.com/psm1-practice-exam/ 70 câu, đúng hết, sau đó mới vào thi thật.
Với đề thi thật mình thấy ngay từ đầu đã có nhiều câu khác với mock, phải vận dụng suy nghĩ kha khá chứ không straight forward như đề mock. Thậm chí có một vài câu mà mình dám chắc chỉ với Scrum Guide thì không có cơ sở để chọn câu trả lời chắc chắn. Những câu này làm mình khá mất thời gian. Còn lại thì khoảng 80% là những câu dễ giống hệt mock và có thể làm nhanh.Thật sự lúc làm mock thì toàn thừa đến hơn 2/3 thời gian, nhưng lúc làm đề thật thì không cảm giác thừa tẹo nào trong số 60 phút được cho. Có cái nữa là làm ở nhà, vẫn nghe thấy xung quanh cậu con đang làm gì, nhưng với mình sự phân tán là không đáng kể lắm có thể bỏ qua. Nếu bạn nào hay bị ảnh hưởng ngoại cảnh thì nên chú ý không gian có thể tập trung tối đa. Trong lúc làm mình có mark khoảng 14 câu review và dành khoảng 10 phút cuối để review đống đó nhưng rốt cuộc cũng chỉ quyết định thay đổi đáp án của khoảng 1-2 câu. Kết quả cuối cùng cho thấy mình sai 8/80 câu, như vậy rất khó đoán và cũng không loại trừ khả năng trong những câu mình không mark để review cũng vẫn sai. Kết quả thi thì biết ngay sau khi kết thúc, cho thấy % đúng sai của 4 lĩnh vực: Scrum Framework, Scrum Theory and Principles, Cross-functional, self-organizing Teams, Coaching & Facilitation. Hai phần sau mình làm kém nhất. Điểm đỗ là 85% thì phần Team mình chỉ score 78,6%, phần Coaching & Facilitation chỉ score 83.3%, may hai phần còn lại kéo lên, chắc vì hai phần đó giống mock và theo sát Scrum Guide hơn.
4. Drive at will.
Qua vụ này, mình thấy việc thi PSM I cũng có rủi ro, vì việc học và luyện mock chỉ đảm bảo đúng khoảng 80%, 5% còn lại muốn chắc chắn thì cần có nhiều mock sát với đề thật hơn nhưng đề mock hiện tại không có nhiều. Mình cũng cho rằng với các bạn ít đọc tiếng Anh thì cần nâng cao kỹ năng và tốc độ đọc hiểu, có thể bằng việc luyện tập đọc các quyển về Scrum hằng ngày, đọc BBC sport … Vì Scrum Guide rất ngắn nên thực tế mình thấy chỉ cần tập trung dưới 2 tháng là đủ. Nếu bạn luyện khoảng 1 tháng nhưng đã cảm thấy học thêm, luyện thêm cũng chỉ thêm được rất ít điểm mới thì nên dừng. Nếu để thời gian kéo dài quá thì cũng phí và dễ mất hứng thú vì đề mock rất ít và đọc những thứ ngoài Scrum Guide cũng chẳng đem lại giá trị gia tăng mấy cho việc đi thi. Một vài câu hỏi trong đề thật còn nhớ được mình sẽ post tiếp để mọi người tham khảo. Hôm đó thi ở nhà, thi xong lại làm việc nhà ngay nên khả năng hồi tưởng cũng bị hạn chế.
Lê Duy An (Project Manager at NTT DATA Vietnam – Học viên khóa Pragmatic Scrum #3)
(Được phép của tác giả AgileBreakfast đăng lại bài viết này để chia sẻ với bạn đọc)
Nguồn: https://www.linkedin.com