Nữ giới hoạt động trong ngành IT không nhiều, lập trình viên là nữ lại càng ít. AgileBreakFast thật may mắn được trò chuyện cùng chị Lê Thị Hảo (LTH), lập trình viên giàu kinh nghiệm đang làm việc cho công ty Phần mềm FPT (FPT Software). Chị sẽ chia sẻ những chuyện “rất nghiêm túc”, và những “chuyện không đâu” về nghề lập trình, những câu chuyện rất đời pha lẫn những suy tư. Tất nhiên, Agile là phần không thể thiếu trong câu chuyện buổi sáng của chúng ta.
ABF: Xin chào chị Hảo, ABF rất hân hạnh được trò chuyện cùng chị về chuyện nghề và chuyện đời lập trình viên.
LTH: Xin chào AgileBreakFast, tôi rất ít khi trải lòng chuyện nghề. Phần nhiều vì ngại. Nhưng tôi thấy đây cũng là cơ hội tốt để nhìn lại đôi chút công việc của mình. Cảm ơn các bạn rất nhiều.
ABF: Chị làm nghề lập trình lâu chưa ạ?
LTH: Mình chinh chiến với nghề được 7 năm nhưng có 2 năm làm nghề gõ đầu trẻ, còn đi code mới được có 5 năm thôi. Vẫn còn trẻ người non dạ lắm.
ABF: Chị thấy trong nghề của mình, cái khó nhất là gì?
LTH: Nếu bạn hỏi về nghề dạy, thì khó nhất có mình nghĩ là làm sao để truyền được cảm hứng cho người học. Còn nếu về nghề code, thì mình nghĩ nát óc mà chả thấy có gì khó khăn cả 😀
ABF: Liệu phụ nữ có bị thua thiệt trong nghề này không?
LTH: Sao lại thua thiệt, sướng lắm chứ bộ. Nghề này toàn con ‘zai’, nên thấy gái vào phát là được chiều lắm lắm. Đi phỏng vấn xin việc các anh bao giờ cũng dễ tính hơn. Chưa kể vì môi trường nhiều con trai nên không bao giờ sợ ế >.<
ABF: Tôi nghe nói chồng chị cũng là lập trình viên nổi tiếng. Hai vợ chồng cùng làm lập trình thì có hay xảy ra va chạm gì không ?
LTH: Thi thoảng thôi, ông chồng mình cũng là lập trình viên JAVA, cũng đi dạy nhiều, lại hơn mình 5 năm tuổi đời và 6 năm tuổi nghề, nên hay chê vợ ngây thơ hehe. Nhưng mình cũng hạn chế vác công việc về nhà nên cũng không có xung đột gì. Tối về mỗi người ôm một laptop ngồi mỗi góc, nhiều khi lười còn chat luôn trên Facebook 😀
ABF: Có bao giờ hai vợ chồng cãi nhau về 1 vài đoạn code nào không?
LTH: Úi, có bao giờ xem code của nhau đâu mà cãi nhau được. Hai vợ chồng hai công ty khác nhau, mình làm outsourcing nên không bao giờ được phép mang code ra ngoài công ty. Mặc dù nhiều khi nói chuyện chồng vẫn chê vợ code không chuyên nghiệp như ổng.
ABF: Có vẻ như hai vợ chồng chị đang sống tốt bằng nghề code, thế mà giới coder lại kháo nhau “I am a programmer, I have no life” (“Tôi là lập trình viên, tôi không có cuộc sống”).
LTH: Mình không biết ai đã nói câu này, nhưng mình không thấy programmer và life nó có quan hệ với nhau như thế. Lập trình viên thì cũng chỉ là một nghề, một cần câu cơm. Còn cuộc sống có tuyệt vời hay không thì phải do mình chứ. Vợ chồng mình vẫn đi làm, hết giờ thì về đi tập thể dục, nấu nướng, ăn uống. Vẫn đi du lịch đều đều. Vẫn có một túp lều tranh. Nói chung là mình chả có phàn nàn gì về cuộc của mình cả.
ABF: Hai vợ chồng dự định bao giờ thì từ giã việc gõ code?
LTH: Cái này khó nói lắm, chồng mình 12 năm rồi vẫn code, và đến giờ chưa thấy ổng chán, tối về vẫn cặm cụi ngồi ôm máy tính. Còn mình chắc khi nào không công ty nào tuyển nữa thì thôi.
ABF: Chị học lập trình như thế nào, có vất vả lắm không?
LTH: Học là cái sự cả đời. Đến bây giờ mình vẫn phải học đây. Nói chung cái sự học nó cũng vất vả, nhưng mà một khi đã thích, thì vất vả cũng chỉ là chuyện nhỏ.
ABF: Chị có thể về 1 trong những cái khó nhất từng trải qua không?
LTH: Mình vốn dĩ học Đại học Kinh tế Quốc dân, Khoa Tin học kinh tế, nên khó khăn nhất với mình là những ngày đầu bắt đầu đi học ở Aptech. Hồi đó vốn tiếng Anh ít, nhưng mình lại học chương trình với giáo trình toàn bằng tiếng Anh chuyên ngành, nên đọc hiểu là cả một vấn đề. Chương trình học lại nhiều cái mới mẻ. Thế nên hồi đó mình cũng đã rất cố gắng để không trượt môn nào 😀
ABF: Chị có theo dõi xu hướng Agile và Software Craftsmanship trong thời gian gần đây không?
LTH: Có chứ, mình được “nhồi nhét” Agile vào đầu từ khá sớm, từ hồi còn đang ngồi trên ghế Aptech, cũng được thực hành Scrum trong thời gian học lẫn sau này về dạy ở Aptech. Hiện tại team mình cũng đang chạy theo mô hình Scrum (có hơi biến thái một chút =))). Còn về Software Craftsmanship thì mình có được nghe nhiều người giới thiệu, nhưng mà chưa thực sự thấm nhuần tư tưởng.
ABF: Chị và đồng nghiệp có “theo đuổi” làn sóng này không?
LTH: Một thứ mới mẻ và hay ho thế làm sao cưỡng nổi 🙂
ABF: Chị đang thực hành Scrum như thế nào?
LTH: Ôi dào, cái sự thực hành Scrum của mình nó gian nan lắm. Hồi sinh viên và hồi đi dạy ở Aptech, vì đó là môi trường học thuật, nên mọi thứ với mình cực kì chỉn chu và ổng Scrum Master thì cũng cực ‘master’ nên mọi thứ cứ gọi là hoàn hảo. Nhưng đến khi đi làm tại công ty hiện thời, mình mới hiểu thế nào là Scrum “biến thái” (từ trước mình vẫn nghĩ Scrum nó đơn giản thế mà cũng làm sai được, vớ vẩn, thế mà gặp rồi, thấy nó biến thái thì cũng đành nhắm mắt mà làm). Cái sự nó cũng buồn cười lắm. Giả dụ như ổng Product Owner là một ổng abc xyz ở đâu đâu, DevTeam còn chưa bao giờ nói chuyện, thậm chí còn không được phép nói chuyện với ổng, cái này rõ là phản Scrum. Rồi thì chuyện khác, như ông Scrum Master thì vốn dĩ là một BA, chưa bao giờ học về Scrum, chỉ nghe sếp bảo làm Scrum, thế là Scrum thôi. Khi Retrospective và Review thì được duy nhất Sprint đầu tiên là còn thực hiện, các Sprint tiếp theo thì quên luôn. Daily Scrum thì có khi đến cả tiếng đồng hồ. Nói chung là kể hết cái sự biến thái có mà vài trang giấy chả hết. Nhưng mà thôi, giữ cái tiếng cho team tẹo, lên đây kể xấu công ty thế là không tốt, không tốt 🙂
ABF: Tôi có biết rằng sau 15 năm Tuyên ngôn Agile ra đời, một trong những thách thức lớn nhất của Agile vẫn là rất nhiều người “nói rằng ‘tôi dùng Agile’”, trong khi thực sự thì họ lại ‘không Agile”, như trường hợp “Scrum biến thái”. Vậy đâu là lằn ranh để phân biệt đây?
LTH: [Gãi đầu] Hỏi chi khó vậy. Nhưng như tôi kể bên trên đấy, cứ thấy lệch so với “luật chơi” của Scrum thì là ScrumBut rồi. Còn nói Agile thì cũng hơi rộng, khó trả lời.
ABF: Làm thế nào để làm Scrum “thật chuẩn” đây? Chị có thấy khó không?
LTH: Nếu như những ngày đầu mình không thấy mơ hồ lắm, nhưng đến bây giờ thực sự là khó mà làm cho chuẩn. Mình không biết nếu được làm ở một công ty không phải outsourcing thì thế nào, chứ với công ty mình, mọi thứ đều phụ thuộc vào khách hàng, mình có muốn cũng chả được.
ABF: Hóa ra để thực hành Scrum cho thật thuận, vai trò của khách hàng là rất quan trọng?
LTH: Cực kì, cực kì, cực kì quan trọng. Nhiệm vụ của bạn là làm khách hàng sướng, nhưng nếu bạn không biết khách hàng là ai, khách hàng muốn gì, khách hàng không biết bạn đang làm ra cái gì. Thì hỏi bạn có làm cho khách hàng sướng được không. Đơn cử một ví dụ, nếu chẳng may bạn hiểu sai vấn đề, nếu khách hàng không tham gia, không biết, thì cái sai đó nó sẽ có hậu quả khôn lường. Chúng ta phải đưa khách khàng xích lại gần với team. Tôi cho đó là điều quan trọng nhất.
ABF: Tôi đồng ý với nhận định của chị. Nhưng liệu khách hàng có khi lại chính là nguyên nhân khiến cho bạn không thể dùng Scrum để làm việc được cho dù bạn biết là Scrum rất tốt cho khách hàng?
LTH: Mình đâu có nói mình không thể dùng Scrum. Chỉ là Scrum được dùng chưa thực sự chuẩn. Và ở chỗ tôi, khách hàng chính là người định hướng cho team sử dụng Scrum, nên mọi thứ đến giờ vẫn hoàn toàn tuân theo ý khách hàng.
ABF: Thế còn vai trò của công ty, của các cấp quản lí?
LTH: Theo mình, tổ chức, sếp mà không ủng hộ, thì bạn có muốn làm chuẩn cũng khó lắm lắm.
ABF: Còn có những yếu tố nào cản trở việc thực hành Scrum nữa đây? Ngoài chuyện ông PO chẳng họp với nhóm bao giờ, thì còn những chuyện gì khác nữa khiến các quy tắc Scrum bị tan vỡ?
LTH: Ông PO, ông ScrumMaster, Dev member. Tất cả mọi người đều góp một chút vào cái sự tan vỡ đó. Member không thực sự tuân thủ quy tắc. ScrumMaster không đủ thành thạo để định hướng cho nhóm.
ABF: Xem ra nhiều tham số nhỉ?
LTH: Đúng thật 🙂
ABF: Có người cho rằng học Agile rất khó, phải lập trình viên già dơ mới học được. Chị suy nghĩ gì về nhận xét này?
LTH: Ô chết, thế bạn mình già hết rồi à 😀 Thầy mình, đồng nghiệp làm giáo viên, và nhiều người quen biết khác đều có tuổi đời còn rất trẻ, và mình tin rằng họ mà những người cực kì giàu kinh nghiệm về Agile.
ABF: Chị đã bao giờ tham gia vào một dự án thất bại chưa?
LTH: Thất bại hoàn toàn thì chưa, vì ngoài thời gian đi dạy, thì mình toàn làm cho các công ty outsourcing, nên các sếp không để cho thất bại đâu. Nhưng mà chậm tiến độ, xin khách hàng đẩy lùi deadline là chuyện như cơm bữa.
ABF: Nguyên nhân chính là gì thưa chị?
LTH: Nguyên nhân thì nhiều không thể kể hết được, khách hàng thường xuyên thay đổi yêu cầu nhưng lại ép phải làm luôn, không được để sau. Môi trường phát triển có nhiều vấn đề. Công nghệ mới, khó nên ước tính ban đầu không chính xác. Chất lượng code thấp, nhiều lỗi khi chuyển giao, mất nhiều thời gian cho sửa lỗi. Vân vân và vân vân….
ABF: Những thứ như thế liệu có thể rút kinh nghiệm được không?
LTH: He he, cái này khó à nha. Về nhiều mặt mình nghĩ là hoàn toàn có thể rút kinh nghiệm được. Nhưng thực tế thì mỗi dự án lại có những cái khó riêng. Miễn là mình cầu thị, thì rút kinh nghiệm được hết.
ABF: Chị thấy đời lập trình viên khổ nhất là điều gì?
LTH: Tôi thấy chẳng khổ gì cả 🙂
ABF: Chị thấy cái ý tưởng “Chát với AgileBreakFast” này thế nào?
LTH: Rất tuyệt. Tôi rất thích. Nó giúp cho câu chuyện về IT đời hơn, không chỉ mỗi chuyện code két với lại tiền nong. Tôi không phải nịnh thối đâu. Thích thật nên tôi mới nhận trả lời phỏng vấn chứ hehe.
ABF: Cảm ơn chị Hảo rất nhiều. Chúc chị thành công và hạnh phúc trong công việc của một nữ lập trình viên!
LTH: Cảm ơn AgileBreakFast.
Tú Trâm thực hiện.
Lê Thị Hảo hiện đang là lập trình viên JAVA tại FPT Software, từng tham gia giảng dạy ở FPT Aptech trong hơn 2 năm. Chị có từng tham gia các dự án phát triển theo mô hình Scrum ở hai vai trò Developer and Scrum Master. FPT Software là một trong các công ty phần mềm outsourcing lớn nhất Việt Nam. Khách hàng của FPT Software chủ yếu ở các thị trường Mỹ, Châu Âu, và Nhật Bản. Nhật Bản là thị trường lớn nhất cho đến giờ của FPT Software. FPT Software hiện đang có gần 8000 nhân viên trên khắp 3 miền và đóng góp một phần doanh thu không hề nhỏ vào tập đoàn. AgileBreakFast là blog đa chiều về Agile, Scrum, Lean do Học viện Agile bảo trợ. |