Phạm Anh Đới: Agile tốt cho doanh nghiệp, tốt cả cho hạnh phúc gia đình.

Nhân lực ngành IT tưởng thừa mà hóa thiếu. Trong nhiều năm nay, các công ty trong ngành ICT liên tục nhấn mạnh “Việt Nam có cơ hội lớn với ICT”, nhưng cũng lại liên tục than “nhân lực thiếu, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao”. Kệ cho những phong trào hô hoán Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp của Đông Nam Á, các công ty vẫn đào không ra nhân sự để đáp ứng nhu cầu phát triển. Gần đây, việc Atlassian và eXo rời khỏi Việt Nam càng cung cấp thêm nhiều câu hỏi cho giới IT nước nhà . Hãy cùng AgileBreakFast trò chuyện với anh Phạm Anh Đới, Agile Coach (Huấn luyện viên Agile) của NAL Group về cơ hội đổi mới và nâng tầm doanh nghiệp phần mềm với Agile, cũng như cách vận dụng Agile khéo léo trong gia đình.

Phạm Anh Đới

 

ABF: Xin chào anh Đới, ABF rất hân hạnh được trò chuyện cùng anh về một chủ đề thú vị. Tôi thấy rất tò mò với công việc của anh. Agile Coach thì làm việc gì?

PAD: Công việc của Agile Coach là hỗ trợ cá nhân, nhóm và tổ chức chuyển đổi phương pháp làm việc sang Agile. Ở đây bao gồm việc đào tạo, tư vấn và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nhóm, cá nhân và các lãnh đạo của tổ chức. Quá trình diễn ra rất chậm chạp, không chỉ gồm việc đào tạo để họ biết được các phương pháp làm việc Agile mà còn phải thực hành được, và phải thay đổi cả thói quen tư duy nữa.

Ví dụ, để áp dụng bất cứ kỹ thuật nào ở nhóm, thì việc có sự hỗ trợ của ban lãnh đạo là tối cần thiết. Do đó, với vai trò Agile Coach, tôi phải thuyết phục mọi người theo nhiều cách khác nhau. Chúng ta biết là có nhiều thành viên “biết tuốt” thì họ muốn làm theo cách của mình, nên việc để họ từ bỏ một thói quen nào đó để đem lại cho nhóm là một quá trình. Có thể bằng cách trao đổi riêng, hoặc nhờ một ai đó có ảnh hưởng trong nhóm để tạo ra sự thay đổi, hoặc đưa ra bằng chứng về hiệu quả của cách làm mới một cách nhẹ nhàng trong các hoạt động cải tiến quy trình nghiệp vụ.

ABF: Rất thú vị. Tôi thấy trong các công việc liên quan tới Agile còn có Scrum Trainer, ScrumMaster nữa, nó khác Agile Coach ở chỗ nào ạ?

PAD: Scrum Trainer là người đào tạo cá nhân các phương pháp và tư duy Scrum, ví dụ như các Trainer ở các khoá học CSM (Certified ScrumMaster) hoặc PSM (Professional ScrumMaster). Scrum Trainer không làm việc cùng để hỗ trợ các cá nhân, nhóm hoặc tổ chức để giúp họ đạt được việc áp dụng trong công việc thực tế của họ. Đây chính là sự khác biệt so với AgileCoach.

Hiểu Scrum Master theo nghĩa rộng thì cũng là một Agile Coach, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng của Agile Coach lớn hơn đó là tổ chức. Còn hiểu theo nghĩa hẹp thì Scrum Master chỉ tập trung đảm bảo nhóm chạy đúng Scrum và giúp nhóm phát hiện và tháo gỡ khó khắn, các yêu cầu về huấn luyện, đào tạo và tư vấn nhóm, cá nhân, tổ chức không được nhấn mạnh như Agile Coach. Agile Coach là một bước tiến trong sự kiện của ScrumMaster.

ABF: Như vậy có thể thấy nhiệm vụ của AgileCoach khá là nặng nề. Nhân đây, anh có thể giới thiệu ngắn gọn Agile là gì được không?

PAD: Agile là một triết lý làm việc giúp nhóm, tổ chức đạt được sự linh hoạt và phát triển phần mềm tốt hơn . Triết lý này được mô tả khái quát trong một văn bản ngắn ra đời năm 2011 tên là Tuyên Ngôn Agile. Tôi đọc toàn văn bản dịch ra tiếng Việt nhé:

Chúng tôi đã khám phá ra cách phát triển phần mềm tốt hơn thông qua thực hành và giúp đỡ người khác thực hiện. Qua đó, chúng tôi đã thống nhất việc đánh giá cao:
Cá nhân và sự tương tác hơn là quy trình và công cụ;
Phần mềm chạy tốt hơn là tài liệu đầy đủ;
Cộng tác với khách hàng hơn là đàm phán hợp đồng;
Phản hồi với các thay đổi hơn là bám sát kế hoạch.

Mặc dù các điều bên phải vẫn còn giá trị, nhưng chúng tôi đánh giá cao hơn các mục ở bên trái

ABF: Tôi nghe thấy chung chung quá. Thế mà tôi cứ ngỡ Agile là một phương pháp cụ thể.

PAD: Đúng là nó chung chung bởi Agile là một triết lý mang tính định hướng chứ không phải một phương pháp cụ thể như XP hay Scrum. Bất cứ một phương pháp nào thoả mãn tuyên ngôn này thì được coi là Agile. Bạn cũng có thể tạo ra một phương pháp Agile. Hãy thành thạo Scrum, XP và tạo ra một biến thể mang tên công ty bạn, miễn là nhất quán với các nguyên tắc của Tuyên ngôn Agile.

ABF: Tôi có nghe đến Scrum, Agile có phải là Scrum không?

PAD: Scrum là khung làm việc (framework) dùng trong phát triển sản phẩm trong môi trường phức tạp với ba trụ cột: minh bạch, thanh trathích nghi. Cùng với việc định nghĩa rõ hơn cách thức làm việc với các vai trò (Product Owner, ScrumMaster, Nhóm phát triển), tạo tác (Product Backlog, Gói tăng trưởng chuyển giao được, Sprint Backlog), các Sự kiện (Lập kế hoạch Sprint, Sprint, Scrum Hằng ngày, Sơ kết Sprint, Cải tiến Sprint) cùng với các quy tắc ràng buộc. Phần lớn các nhóm Agile hiện nay có sử dụng Scrum để hiện thực hóa các giá trị Agile. Có thể coi Scrum là một hiện thực hóa của Agile, nhưng nó không phải là Agile.

Agile là một tập hợp của rất nhiều những phương pháp khác nhau thoả mãn Tuyên ngôn Agile. Trong họ Agile, ngoài Scrum ra còn có các phương pháp khác như XP, Crystal, Kanban, Lean Software Development, Scrumban.

ABF: Thế còn Lean ạ? Nhiều người nói Agile và Lean có vẻ na ná nhau.

Đúng, Lean và Agile tạo ra nhiều sự nhầm lẫn cho mọi người. Lean có nguồn gốc từ phương thức sản xuất Toyota (TPS), còn Agile lại ra đời trong thế giới phát triển phần mềm. Tuy vậy, Lean luôn ảnh hưởng rất nhiều tới những người làm Agile. Tom & Marry Poppendick thậm chí còn sáng tạo ra phương pháp Agile có tên là Lean Software Development vận dụng những nguyên lí của Lean như giảm thiểu lãng phí, nhấn mạnh việc học, quản lí theo luồng v.v.

Agile và Lean có nhiều điểm rất giống nhau như đều nhấn mạnh vào sự thích ứng với thay đổi, cải tiến liên tục, chuyển giao sớm giá trị cho khách hàng, tối ưu toàn cục thay vì cục bộ.

Agile và Lean có những sự kết hợp tuyệt vời, đặc biệt trong phương pháp Lean Startup, Agile chính là cốt lõi để phát triển các sản phẩm, trong khi kết hợp với các nguyên tắc Lean để phát triển khách hàng, tìm ra mô hình kinh doanh đúng đắn thật nhanh và tiết kiệm trong giai đoạn khởi nghiệp của các công ty.

ABF: Agile có thể giúp gì cho các doanh nghiệp phần mềm và nội dung số?

PAD: Nhiều chứ, ở đây ta có thể liệt kê một số nội dung chính:

Thứ nhất, Agile giúp cho doanh nghiệp thích ứng với những thay đổi một cách dễ dàng và nhanh chóng. Sự tập trung vào sự thích nghi và cải tiến liên tục giúp doanh nghiệp duy trì lợi thế cạnh tranh. Công nghệ, môi trường tự nhiên, môi trường kinh doanh ngày nay có những biến động rất lớn, do vậy năng lực thích ứng là một yêu cầu mang tính sống còn. Những doanh nghiệp lớn và có vẻ “rất nặng nề” như Microsoft hay IBM cũng đã chuyển sang Agile để có được sự linh hoạt cần thiết. Các sản phẩm giờ họ cập nhật liên tục chứ có còn chuyện 3 năm mới ra một phiên bản đâu. Ở ta, như tôi được biết FPT Software cũng đã áp dụng Agile ở diện rộng rồi.

Thứ hai, trong nền kinh tế tri thức, con người là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, do đó việc tuyển dụng, giữ được người giỏi cũng như phát triển đội ngũ là yếu tố sống còn. Agile giúp doanh nghiệp đạt được điều đó thông qua việc tạo môi trường làm việc thân thiện hơn với người lao động tri thức và giúp họ phát triển cá nhân. Bản thân ở NAL, chúng tôi đã tuyển dụng dễ dàng hơn rất nhiều và hầu như không có nhân viên nghỉ việc trong một năm.

Thứ ba, trong cuộc sống có quá nhiều biến động như hiện tại thì việc kiểm soát rủi ro là một điều vô cùng khó khăn. Với Agile, chúng ta chấp nhận và kiểm soát được rủi ro chứ không chỉ phòng và tránh nó.

ABF: Tôi không hiểu lắm cái ý thứ ba của anh. Tại sao lại “chấp nhận và kiểm soát được rủi ro”?

PAD: Agile thừa nhận rằng môi trường có quá nhiều thứ chúng ta không kiểm soát được, do đó việc thất bại là bình thường. Với Agile chúng ta sẽ nhìn thấy thành công hoặc thất bại từ sớm và thường xuyên, từ đó chúng ta có thể kiểm soát được nó thay vì để đến lúc đã quá muộn không kịp trở tay. Ví dụ, trong Scrum, việc phát triển một sản phẩm được chia thành các phân đoạn ngắn Sprint (từ 1 tuần tới tối đa 4 tuần); cứ cuối Sprint là chúng ta có ngay cái gì đó để “chạy được” hay “chuyển giao được” với chất lượng cao chứ không phải đợi tới vài tháng để xem một bản demo. Đây cũng là một cách mà Agile giúp chúng ta kiểm soát được rủi ro.

ABF: Những ai cần tìm hiểu Agile?

PAD: Với tôi sống là sự tìm tòi và thích nghi với những thay đổi, do đó tất cả mọi người không chỉ cần hiểu mà còn có thể áp dụng và thấm nhuần Agile.

  • Những cá nhân như nhân viên văn phòng sẽ thấy Kanban Cá nhân là vô cùng hữu ích bởi nó giúp tập trung, trực quan hoá công việc từ đó nâng cao hiểu quả công việc.
  • Với lập trình viên thì các kỹ thuật của XP giúp bạn nâng tầm của mình và tạo ra những sản phẩm chất lượng cao và hiểu rất rõ về sản phẩm thay vì làm việc như một robot.
  • Khi một nhà quản lí đang tìm một cách làm việc cho nhóm thì Scrum có thể là một sự lựa chọn tốt để tăng năng suất và hiệu quả lên nhiều lần.
  • Nếu là người khởi nghiệp thì Lean Startup và Scrum giúp bạn tung sản phẩm ra thị trường nhanh và lấy được phản hồi sớm của khách hàng để trau chuốt lại ý tưởng kinh doanh và sản phẩm.
  • Còn nếu bạn là quản lý cấp cao của doanh nghiệp thì Agile còn hữu ích hơn nữa. Agile giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm phục vụ tốt nhu cầu khách hàng với chất lượng cao, tạo môi trường làm việc thân thiện cho lao động trí óc và liên tục cải tiến để duy trì lợi thế cạnh tranh.

ABF: Như vậy có thể thấy phạm vi ứng dụng của Agile là rất rộng?

PAD: Như trên ta đã thấy Agile trong công việc là rộng khắp. Ngoài ra, tôi còn áp dụng Agile trong gia đình. Ví dụ cả hai vợ chồng tôi đều bận rộn, thời gian ở bên nhau không nhiều, nên rất dễ không hiểu biết công việc và những vấn đề của nhau. Điều này có thể gây khó khăn cho việc thấu hiểu và chia sẻ. Ở đây, tôi có áp dụng kỹ thuật họp đứng với vợ con để hiểu nhau và giúp nhau tháo gỡ khó khăn. Dĩ nhiên không phải là những câu hỏi như trong sách mà phải biến tấu đi cho phù hợp.

ABF: Quả là ý tưởng hay khi vận dụng Agile trong gia đình. Ông Jeff Sutherland từng viết trên blog cá nhân là Scrum cũng hữu dụng trong tổ chức hoạt động của nhà thờ. Agile ở Việt Nam đã phổ biến chưa ạ?

PAD: Hiện tại Agile đã tương đối phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên mới dừng lại ở các doanh nghiệp làm phần mềm và độ chín còn thấp.

ABF: Tôi quan sát thấy ở các hội thảo AgileTour Vietnam, ScrumDay Vietnam, Scrum Gathering, XP Day cũng nhiều người tham dự đấy chứ?

PAD: Đúng các sự kiện này chúng tôi có một lượng người tham dự tương đối lớn. Điều đó thể hiện mức độ phổ biến và nhu cầu của doanh nghiệp chứ không thể hiện độ chí của cộng đồng.

ABF: Anh nói tới “độ chín” của cộng đồng. Thực ra anh đang nói tới những “vấn đề” gì của cộng đồng Agile ở Việt Nam?

PAD: Hầu hết các doanh nghiệp đang đi tìm những bước đi đầu tiên trong hành trình Agile của mình. Sự khan hiếm những người có hiểu biết ĐÚNG, kỹ năng và trải nghiệm Agile là rất rõ. Một ScrumMaster có kiến thức và nhiều hơn hai năm kinh nghiệm được săn đón ráo riết. Tôi có biết một số doanh nghiệp đăng tuyển ScrumMaster trong vòng 5 tháng liền mà vẫn không tìm được người. Bạn thân NAL chúng tôi cũng phải đào tạo, huấn luyện toàn bộ từ đầu.

ABF: Trên thế giới thì sao thưa anh?

PAD: Theo báo cáo của VersionOne năm 2014 thì 94% các doanh nghiệp đã áp dụng Agile toàn bộ hoặc một phần.

ABF: Tôi có biết tới cộng đồng Agile Vietnam mà anh là Board Member, anh có thể cho biết thêm thông tin về cộng đồng này không ạ?

PAD: Năm 2011, Agile forum Vietnam được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh, HanoiScrum ở Hà Nội. Sau đó 2013 chúng tôi thống nhất với một tên duy nhất AgileVietnam với sứ mệnh đẩy mạnh việc áp dụng Agile tại Việt Nam.

Chúng tôi đã tổ chức các khoá học Scrum và các sự kiện quốc tế lớn như AgileTour, Scrum Gathering, XP Day, Coderetreat. Ở mỗi sự kiện này chúng tôi thu hút khoảng 200-300 ngừoi tham dự và hàng chục diễn giả quốc tế cũng như nội địa ở mỗi thành phố và rất nhiều những sự kiện hàng tháng ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội để giúp cộng động gặp gỡ các chuyên gia và chia sẻ kinh nghiệp tại địa phương.

ABF: Agile có dễ không?

PAD: Ngay cái tên Agile đã thể hiện mình cần phải gọn nhẹ để có thể linh hoạt. Nên để biết Agile là một việc đơn giản giống như hiểu về một chiếc đạp xe MỘT bánh. Tuy nhiên sử dụng Agile lại phức tạp cũng giống như chiếc xe đạp đó. Tình huống hay gặp trong việc áp dụng Agile tại doanh nghiệp giống như: ta nhìn cái xe đạp một bánh, thấy rất dễ, tưởng mình đi được, sau đó mọi thứ lại không dễ thế và ta quay sang chỉnh sửa chiếc xe thành một thứ khác hoặc bỏ nó đi.

ABF: Liệu Agile có thể tạo ra những tác động nào đối với cá nhân và doanh nghiệp?

PAD: Agile đã trở nên mainstream (phổ dụng), các doanh nghiệp phải tìm cách áp dụng Agile để giữ lợi thế cạnh tranh của mình. Khi đó, Agile sẽ làm thay đổi cách chúng ta tư duy và làm việc.

ABF: Gần đây có hai sự kiện gây sự chú ý của cộng đồng IT: công ty Atlassian, sau đó là eXo Platform dời bỏ Việt Nam. Một số cho rằng nguyên nhân là do thiếu vắng nhân lực chất lượng cao? Anh đánh giá điều này như thế nào?

PAD:  Tôi không rõ về nội tình của hai doanh nghiệp trên, nhưng nhận định về nhân lực thiếu thì tôi xin được chia sẻ. Tôi có tham gia công tác tuyển dụng ở NAL và biết thông qua bạn bè ở các doanh nghiệp khác cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tuyển dụng. Ở đây có hai điểm đáng lưu ý: thứ nhất là chi phí nhân công ở Việt Nam đang tăng lên rất nhanh; thứ hai là việc tuyển dụng nhân sự phù hợp rất khó khăn, có lẽ nguyên nhân cho điểm thứ nhất. Sự phù hợp tôi nói ở đây là thái độ làm việc, kỹ năng và kiến thức. Với các quy trình hiện có người lao động có rất ít tính chủ động trong công việc, mọi việc phải được giao cụ thể và thậm chí là ép, giám sát thì mới làm, đó là chưa kể đến sự chú ý tới việc góp ý, cải tiến, sáng tạo cho sản phẩm, quy trình, môi trường làm việc. Để tạo những sản phẩm phần mềm tốt, mọi người cần có kỹ năng chuyên sâu, nhưng cũng cần có cái nhìn và hiểu biết rộng, tổng thể, cái này gọi là chuyên gia hình chữ T. Con người chúng ta có lại không đủ sâu, nhưng cũng không rộng. Chuyện một lập trình viên gọi là senior với 3 năm kinh nghiệm mà không dùng được refactoring, design pattern, clean code và hiểu biết về testing và phân tích yêu cầu người dùng thì vô cùng hạn chế là điều tôi gặp rất nhiều.

ABF: Agile có thực sự là một cơ hội tốt để nâng tầm tay nghề chuyên viên phát triển người Việt không?

PAD: Quay lại vấn đề thiếu hụt nhân sự phù hợp của ngành phần mềm Việt Nam, chúng tôi cũng đã từng xem xét các nguyên nhân. Nếu bỏ qua thực trạng của ngành giáo dục, đào tạo  thì với những kỹ sư phần mềm mà tôi có cơ hội làm việc thì không nằm ở tố chất, mà là cách làm việc hiện thời không khuyên khích họ phát triển. Với quy trình hiện thời, mọi người được giao việc chi tiết, do đó họ bắt buộc phải bị động hàng ngày. Họ không được khuyến khích đổi mới sáng tạo hàng ngày, thậm chí họ còn không được tôn trọng lắm, họ chỉ là tài nguyên (human resource).  Những PM, Leader ra lệnh cho lập trình viên là ai? Họ thường cũng là những lập trình viên. Họ cũng hướng dẫn lại theo cách mà các PM của họ đã từng chỉ. Tính đổi mới, học tập, tăng trưởng là rất ít, thậm chí có khi còn thụt lùi theo thời gian. Trong trường hoặc công ty thì những phương pháp và kĩ năng cần có của một lập trình viên chất lượng cao (nghệ nhân phần mềm) lại không được dạy. Ở NAL, sau một năm làm việc cùng họ, thì những kỹ năng về tái cấu trúc, viết mã sạch được các lập trình viên đón nhận một cách dễ dàng. Về tính chủ động, ở NAL chúng tôi không có khai timesheet, không PM, không team lead mà tỷ lệ hài lòng của khách hàng đạt trên 50%. Tôi chắc chắn nếu triển khái Agile một cách phù hợp sẽ giúp nâng tầm của lập trình viên Việt.

ABF: Chúng ta có thể bắt đầu học và vận dụng Agile như thế nào? Anh có thể cho vài gợi ý được không?

PAD: Agile khó, nhưng cái khó không giống như điều kiển chiếc xe đạp một bánh. Với chiếc xe đạp một bánh, ta chỉ có thể biết đi hoặc không, nhưng với Agile ta có thể áp dụng từ phương pháp một và ta sẽ trưởng thành dần. Chúng ta có thể bắt đầu với một vài cuốn sách, tham gia một sự kiện, tham gia một khoá học hoặc có một người tư vấn để bắt đầu.

ABF: Xin cảm ơn anh về những chia sẻ quý giá!

Tú Trâm thực hiện.

Phạm Anh Đới là Agile Coach của NAL Group và Board Member của Agile Vietnam. Anh đã có nhiều năm kinh nghiệm thực hành và giảng dạy Agile với nhiều vai trò khác nhau như Developer, Scrum Master, Product Owner, Agile Coach cho nhóm và doanh nghiệp.

NAL Group gồm 03 công ty NAL Japan, NAL Vietnam và NAL Solution tại Đà Nẵng chuyên outsource và cung cấp nhân sự, đào tạo cho thị trường Nhật.

AgileVietnam là tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh truyền bá Agile tại Vietnam bắt đầu hoạt động từ 2011 với rất nhiều các sự kiện quốc tế và địa phương hàng năm.

AgileBreakFast là blog đa chiều về Agile, Scrum, Lean do Học viện Agile bảo trợ.

phản hồi