[Alitech] Agile đã làm chúng tôi hạnh phúc như thế nào

Đây là câu chuyện về những cung bậc cảm xúc của cả nhân viên và quản lý ở Alitech được anh Lưu Trọng Hiếu – Co-founder và Nguyễn Xuân Kiên – Teach Lead của Alitech kể lại. Câu chuyện xoay quanh khoảng thời gian trước và sau khi hai anh tham dự khóa học Pragmatic Scrum Tháng 3/2016.

Trước đó, các quản lý của công ty phải soi xét và hướng dẫn mọi việc. Họ phải chỉ cách phải làm từng nút bấm hoặc thông báo cho mỗi hành động của người dùng và thậm chí là phải nhúng mũi vào cả việc viết mã của lập trình viên. Tất cả những hành động micro-manage cho kết quả là vẫn đầy rẫy sai sót. Hai anh đã hết sức vất vả mà luôn ở trong tâm trạng bực mình vì sản phẩm làm ra không đáp ứng đúng yêu cầu đề ra. Họ lập kế hoạch kỹ hơn với kỳ vọng đội phát triển sẽ làm đúng. Nhưng càng lập kế hoạch và họp nhiều càng khiến tình trạng tồi tệ hơn. Họ quá thất vọng! Đây là một căn bệnh kinh điển mà tác giả của Scrum, ông Jeff Sutherland, đã nhắc đến nhiều lần.

alitech-1

Không chỉ có lãnh đạo khổ, nhân viên làm thêm giờ triền miên và luôn phải làm dưới rất nhiều áp lức. Có những nhân viên trong 6 tháng liền chỉ giải quyết những việc khẩn cấp. Họ không có thời gian để nghĩ nữa. Các anh kể có lần định mắng một bạn sau khi đưa một tính năng rất tệ, nhưng sau khi nhìn khuôn mặt ngệt ra như “mất sổ gạo” của bạn ấy, đành thôi. Phòng làm việc thiếu tiếng cười, nhân viên như những zombie. “Khi làm cảm thấy hoang mang” là trạng thái thường trực của họ.

Ngay sau khóa học Pragmatic Scrum, họ đã áp dụng một số phương pháp Agile cho nhóm và công việc nhanh chóng thay đổi.

alitech-2

Quản lý Sản phẩm (PO) ngồi cùng với Nhóm Phát triển thương lượng định nghĩa hoàn thành bằng cách để Nhóm Phát triển tự liệt kê những tiêu chuẩn về sản phẩm và chia ra thành 3 loại: đã đủ khả năng làm được, có thể học để làm được và không làm được. Nhóm Phát triển chỉ bàn giao những sản phẩm theo đúng Định nghĩa Hoàn thành. Họ được tính là hoàn thành nghĩa vụ khi chuyển giao đúng theo Định nghĩa Hoàn thành, nếu có gì sai sót thì coi đó là vấn đề của PO.

Yêu cầu sản phẩm (requirement) không viết theo cách quá chi tiết như trước đây nữa, PO chỉ viết ra các user story ngắn và nhóm Phát triển có nhiều quyền và nghĩa vụ để chi tiết hóa user story này. Vậy là Nhóm Phát triển được chủ động làm công việc của mình.

Lần đầu tiên khi áp dụng Agile, sau khi trình diễn sản phẩm xong:

Nhóm Phát triển: anh có ý kiến gì không?

PO: ngon rồi.

Nhóm Phát triển: cười và thấy hoang mang. Làm gì có chuyện bàn giao xong là được ngay. Lịch sử chưa bao giờ có chuyện như thế cả.

Họ đúng là hoang mang. Thậm chí PO cũng hoang mang. Sau khi triển khai mấy ngày vẫn chưa thấy người dùng báo về bug nên phải đi hỏi lại người dùng:

PO: tính năng mới có vấn đề gì không?

Người dùng: em thấy ổn.

Tốc độ phát triển và chuyển giao sản phẩm cũng tăng lên đáng kể. Thời gian để phát hành một tính năng giảm từ gần 2 tháng xuống còn 2 tuần. Không còn việc phải làm đi làm lại một việc nữa.

PO đã hạnh phúc, nhưng có lẽ người hạnh phúc hơn là Tech Lead – Kiên. Ngày trước việc gì cũng đến tay và anh em trong đội phát triển luôn phải hỏi anh xem cần làm gì, phải làm gì khi gặp vấn đề. Giờ đây, công việc chính của anh là ở đó để hỗ trợ khi anh em cần sự trợ giúp. Anh đã có thời gian để làm những việc thực sự của một lãnh đạo chứ không phải của một người quản lý tiểu tiết, anh được là chính mình.

Vậy là các sếp đã hạnh phúc, nhân viên thì sao?

Tình trạng làm thêm giờ ít khi diễn ra nữa. Thậm chí họ còn có 20% thời gian để học và nghiên cứu thêm. Một bạn chia sẻ:

Làm việc theo cách này, bọn em thấy rất là vui, chủ động và thực sự là một team.
Các bạn đã tự chủ động tham dự các hội thảo. Ví dụ, XPDay 2016 có 1/3 nhân viên tham dự sự kiện.

Với việc áp dụng Lean Coffee, những cuộc họp dài lê thê chỉ có sếp nói đã không còn nữa. Nếu đo về số lượng ý kiến đóng góp thì trước đây lèo tèo dăm mười ý kiến nay tăng lên thành hàng trăm. Công ty, công việc và sản phẩm giờ không chỉ là của sếp mà là của mọi người. Mọi người được đưa ra sáng kiến\ý tưởng và có cơ hội để biến nó thành sự thật.

Với những gì mà tôi đã trải nghiệm, tôi biết hai tháng chỉ là khởi đầu của hành trình Agile, nhưng với chỉ từng đó thôi đã giúp Alitech chuyển mình. Chúc Alitech sẽ đi xa hơn nữa trong hành trình Agile để đạt được những giá trị kinh doanh và mang lại cuộc sống tốt hơn cho các thành viên của mình.

Phạm Anh Đới.

[sharify] [vivafbcomment]