Bạn có phải là một ScrumMaster và đã sẵn sàng cho những bước tiếp theo để trở thành một Huấn luyện viên Agile (Agile Coach)? Bạn có cần một Huấn luyện viên Agile giúp đỡ trong việc thay đổi mang tính tổ chức trong khi ScrumMaster tập trung vào các Nhóm Scrum? Bạn có kinh nghiệm làm ScrumMaster và muốn trở thành một chuyên gia huấn luyện Agile sau một khoá học 3-ngày? Bạn đã từng có ý định thay đổi chức vụ của mình sang thành “Huấn luyện viên Agile” để đạt được mức lương cao hơn không?
Những nhận định này minh hoạ cho hiểu lầm ngày hôm nay chúng ta sẽ khám phá; ý tưởng về việc ScrumMaster chính là Huấn luyện viên Agile mới vào nghề (Junior Agile Coach). Hoặc đơn giản hơn, Huấn luyện viên Agile có xu hướng giải quyết các vấn đề về tổ chức lớn hơn, trong khi ScrumMaster tập trung nhiều vào các Nhóm Scrum. Chúng tôi đã theo đuổi việc giải thích hiểu lầm này trong nhiều năm. Trong quá trình đó chúng tôi đã xem xét rất nhiều yếu tố. Chúng tôi đã viết một số bài báo, thuyết trình ở các hội hảo, cung cấp các buổi workshop và facilitated workshop; tất cả đề nhằm giải thích về mục đích của ScrumMaster. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ chia sẻ quan điểm của mình về chủ đề này và đưa ra lí do tại sao hiểu lầm này cần được giải thích rõ ràng.
Hiểu lầm này liên quan tới một số lý do sau:
- Xuất phát từ việc hiểu biết nghèo nàn và không đầy đủ về công việc mà một ScrumMaster thật sự cần làm và nên làm dựa theo Khung làm việc Scrum;
- Vị trí Huấn luyện viên Agile được đặt cao hơn so với cấu trúc kiểu thứ bậc truyền thống. Đặc biệt khi bên trong các tổ chức vẫn đi theo lộ trình phát triển sự nghiệp theo chiều thẳng đứng. Theo cách hiểu như vậy ScrumMaster ở vị trí cấp dưới (junior), Huấn luyện viên Agile giữ vị trí ở giữa (medior) và Huấn luyện viên doanh nghiệp (Enterprise Coach) ở vị trí cấp cao (senior).
- Các doanh nghiệp về tư vấn/huấn luyện khuyến khích cách này bởi sẽ dễ dàng điều chỉnh các chương trình huấn luyện đắt đỏ với mức phí trả theo giờ (có xu hướng gia tăng). Hãy để ý sự trái nghịch giữa các dịch vụ mà những doanh nghiệp này cung cấp: khuyên nhủ khách hàng hãy nghĩ theo “cấu trúc theo chiều ngang” nhưng lại quảng bá cho “cấu trúc theo chiều thẳng đứng” bởi vì mô hình này phù hợp hơn dưới góc độ thương mại và marketing.
Hiểu lầm này dẫn tới những ranh giới được tạo ra giữa các ScrumMasters và các Huấn luyện viên Agile. ScrumMaster chỉ “được phép” làm việc trong khuôn khổ nhóm. Do đó sẽ gây khó khăn trong việc tạo ra văn hoá Scrum thân thiện, những thay đổi cần cho việc áp dụng Scrum thành công từ đó cũng giảm đi. Huấn luyện viên Agile được trông đợi sẽ thực thi những thay đổi mang tính tổ chức cần thiết, nhưng lại thất bại bởi kinh nghiệm có hạn và không biết cách xử lý các thay đổi quản lý từ trong ra ngoài.
1. Giải mã hiểu lầm
Hiểu lầm ngày hôm nay khá dễ dàng để giải mã và chỉ yêu cầu bạn đọc kĩ Hướng dẫn Scrum. Như những trường hợp hiểu lầm mà chúng tôi đã chỉ ra từ trước tới giờ. Trong Hướng dẫn Scrum đã đưa ra một mô tả rất rõ ràng về những việc mà ScrumMaster tạo ra cho Nhóm Phát triển, Product Owner và toàn bộ tổ chức. Điều này bao gồm việc huấn luyện Nhóm Phát triển để trở thành nhóm tự-tổ chức và liên chức năng, giúp đỡ Product Owner tìm kiếm các kĩ thuật quản lý Product Backlog hiệu quả, hỗ trợ tổ chức trong việc chuyển giao các sản phẩm có giá trị cao thông qua quá trình thực nghiệm Scrum. Để điều này diễn ra, ScrumMaster làm việc cùng với các ScrumMaster khác, các Product Owners cũng như những người khác trong tổ chức.
2. 8 tư thế của ScrumMaster
Một góc nhìn hữu ích khác về vai trò của ScrumMaster được giới thiệu trong tài liệu “8 tư thế của một ScrumMaster”. Trong đó mô tả những trọng trách khác nhau của ScrumMaster trong 8 tư thế hay vị trí công việc được liên kết khá chặt chẽ với Hướng dẫn Scrum.
ScrumMaster là …
- Một người loại bỏ các trở ngại – người giúp giải quyết các vấn đề đang cản trở tiến độ của nhóm, để ý tới năng lực tự tổ chức của Nhóm Phát triển;
- Một hỗ trợ viên – người vẽ ra các giai đoạn, cung cấp những ranh giới rõ ràng mà nhóm có thể hợp tác. Công việc này bao gồm các trợ giúp các sự kiện Scrum nhằm đảm bảo họ sẽ đạt được kết quả mong muốn và quan trọng hơn cả là quy trình thực nghiệm được tối đa hoá;
- Một huấn luyện viên – người giúp cho các cá nhân/ nhóm đội phát triển một cách liên tục giúp họ chuyển giao các đầu ra giá trị như là một nhóm hoặc như một tổ chức;
- Một nhà giáo – Người đảm bảo Scrum cũng như các kĩ thuật liên quan được hiểu tốt và có thể được thực hiện;
- Một lãnh đạo đầy tớ (servant leader) – người tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho các nhóm cùng với các bên liên quan để tạo ra các kết quả có giá trị;
- Một nhà quản lý – người chịu trách nhiệm để quản lý các trở ngại (thực), loại bỏ các lãng phí, quản lý quy trình, quản lý sức khoẻ của nhóm, quản lý ranh giới trong việc tự tổ chức, và quản lý văn hoá;
- Một Nhân tố thay đổi – người giúp kích hoạt văn hoá nơi mà Nhóm Scrum có thể phát huy rực rỡ – hoặc mọi cấp bậc của tổ chức;
- Một Mentor – người truyền kiến thức Agile và kinh nghiệm sang cho nhóm.
Các ScrumMaster nên nhận thức các vị trí/vai trò trên cũng như sự đa dạng của các vị trí này. Họ nên biết khi nào và làm thế nào để áp dụng chúng, phụ thuộc vào các ngữ cảnh khác nhau. Nhưng mục tiêu của tất cả các vị trí này đó là nhằm giúp mọi người hiểu được tinh thần của Scrum.
2.1 Đối mặt với các thử thách “cao cấp”
“Một ScrumMaster giỏi giúp cho Nhóm Scrum sống sót trong văn hoá của một tổ chức. Một ScrumMaster giỏi giúp thay đổi văn hoá, do vậy các Nhóm Scrum có thể lớn mạnh.”- Geoff Watts.
Cả Hướng dẫn Scrum và “8 tư thế của ScrumMaster” đều cho ta biết về những thử thách của một ScrumMaster.
- Làm thế nào để giúp mọi người chuyển đổi từ lối tiếp cận dựa trên kế hoạch sang một quy trình thực nghiệm công bằng hơn cho sự phức tạp của công việc mà họ làm?
- Làm thế nào để thúc đẩy tính minh mạch, thanh tra và thích nghi trong một tổ chức “đóng” truyền thống?
- Làm thế nào để huấn luyện các tổ chức theo cách hợp tác “thực sự” với các Nhóm Scrum của họ?
- Làm thế nào để quản lý được các giới hạn của việc tự tổ chức trong những môi trường quen theo lối mệnh lệnh?
- Làm thế nào để tạo ra một môi trường “an toàn để học tập và thất bại” từ thực nghiệm?
- Làm thế nào để truyền bá văn hoá Scrum để các Nhóm có thể lớn mạnh?
Là một ScrumMaster nghĩa là phải đối diện với những thức thách khó khăn đó và ảnh hưởng văn hoá tổ chức theo một cách mà…
- Thành công nhóm được đánh giá cao hơn thành công cá nhân
- Cải tiến liên tục và khuyến khích sự thực nghiệm;
- Khuyến khích “các hợp đồng Agile”;
- Hỗ trợ sự ổn định của nhóm;
- Thưởng theo hành vi hơn là thành tích cá nhân;
Việc tạo ra môi trường Scrum thân thiện sẽ phụ thuộc vào ScrumMaster. Thật may mắn là ScrumMaster đang ở vị trí hoàn hảo để thực hiện công việc này bởi anh/cô ấy có thể thay đổi từ trong ra ngoài.
Là một phần của Nhóm Scrum, ScrumMaster biết chính xác những điều cần được thay đổi và tại sao việc thay đổi này là cần thiết. Họ giúp các nhóm tìm ra các trở ngại đang kéo họ lại, và những cách thức mà nhóm có thể chuyển giao nhiều giá trị hơn với Scrum. Vị trí này cũng hoàn hảo cho họ để làm việc với bộ phận nhân sự để tìm ra các hoạt động phù hợp hơn, tốt hơn với Scrum. Hoặc nhằm giúp cho bộ phận bán hàng chuyển đổi các hợp đồng với “giá cố định/ quy mô cố định” sang các hợp đồng Agile thân thiện hơn. Hoặc nhằm gia tăng sự hợp tác giữa các Nhóm Scrum và các bên liên quan. Làm việc với các ScrumMaster khác, họ sẽ thúc đẩy các thay đổi mang tính tổ chức cần thiết, bằng cách ảnh hưởng lên hệ thống từ trong ra ngoài. Từ góc nhìn của Nhóm Scrum, ScrumMaster thực sự là một “Nhà Hỗ trợ Thay đổi”.
“Các cơ hội của việc áp dụng Scrum thành công sẽ gia tăng nhanh chóng khi bạn coi ScrumMaster như là những Nhà Hỗ trợ Thay đổi từ trong ra ngoài!”
Khi các tổ chức lựa chọn thực hiện quy trình thực nghiệm lớn với Scrum thì gần như sẽ không cần sự có mặt của các Huấn luyện viên Agile. Thay vào đó, ScrumMaster nên có mặt và hỗ trợ nhằm thúc đẩy quy trình thực nghiệm trên mọi cấp bậc trong tổ chức. Nếu họ có thể, và nếu họ làm điều đó, không có một vai trò nào khác là cần thiết để giúp các tổ chức tạo ra các kết quả có giá trị với Scrum.
“Khi các tổ chức chọn làm việc với Scrum, họ gần như sẽ không cần thiết phải có các Huấn luyện viên Agile.”
3. Vậy chúng ta có nên sa thải tất cả các HLV Agile không?
Không, bạn không nên. Bằng cách giải thích kĩ lưỡng hiểu lầm rằng ScrumMaster là “HLV Agile cấp thấp”, chúng tôi không đánh đồng nó với việc HLV Agile không có giá trị. Chúng tôi nói rằng sự cần thiết cho các HLV Agile sẽ giảm đi đáng kể khi các ScrumMaster được phép thể hiện vai trò vốn có của mình. Chúng tôi cũng muốn nói rằng, các sự khác biệt liên quan tới thứ bậc mà chúng ta hay thấy giữa các HLV Agile và các ScrumMaster đều xuất phát từ việc thiếu hiểu biết về Scrum.
Trong khi các ScrumMaster sử dụng cách tiếp cận “từ trong ra ngoài”, thì các HLV Agile sử dụng lối tiếp cận “từ ngoài vào trong”. Hiển nhiên chúng ta sẽ thích cách tiếp cận đầu tiên khi thực hiện thay đổi tổ chức. Nhưng cả hai cách đều thêm giá trị cho tổ chức dưới góc nhìn thay đổi thuộc tổ chức. Chúng chỉ khác về góc nhìn trong cách tạo ra môi trường Scrum thân thiện (nếu đó là mục tiêu của HLV Agile).
Sử dụng phương pháp từ ngoài vào trong chắc chắn sẽ hiệu quả, nhưng cũng cực kỳ khó khăn. Kinh nghiệm của chúng tôi cho thấy rằng nhiều HLV Agile (bên ngoài) thường đưa ra ít giá trị hơn khi thực hiện cách này. Họ khá bất lực để ảnh hưởng lên các thay đổi, và chỉ hiểu biết ở bề ngoài của công việc bên trong Nhóm Scrum (chỗ các giá trị được tạo ra). Họ không phải là một phần của nhóm, thiếu sự hỗ trợ cần thiết từ ban quản lý và không có kiểu kinh nghiệm cần thiết để thúc đẩy thay đổi từ “Ngoài vào trong”.
Hơn nữa, nhiều HLV Agile hầu như ít có kinh nghiệm với Scrum hoặc làm ScrumMaster. Nhưng việc huấn luyện ScrumMaster thường xuyên là công việc hằng ngày của họ.
“Thực tế là, hầu hết các HLV Agile là những ScrumMaster non tay nghề”
Vì vậy, lời khuyên của chúng tôi cho các tổ chức đó là:
- Tập trung vào thúc đẩy các ScrumMaster nhằm hỗ trợ các thay đổi “từ trong ra ngoài”. Hỗ trợ các ScrumMaster trong việc tạo ra các nhóm tuyệt vờ, sáng tạo ra các sản phẩm tuyệt vời. Giúp cho họ tạo ra các trải nghiệm cũng như công cụ để cùng nhau thực hiện công việc này;
- Loại bỏ những “HLV hải âu” – những người có thể đến và gây náo loạn khắp nơi, thậm chí có thể “bay” tới vị khách hàng tiếp theo mà để lại đằng sau một đống lộn xộn;
- Nếu bạn thật sự muốn thuê một HLV Agile ngoài các ScrumMaster đã sẵn có trong công ty, hãy đảm bảo rằng họ có kinh nghiệm thực sự đối với việc ảnh hưởng những thay đổi “từ ngoài vào trong”. Đảm bảo họ tập trung nỗ lực vào việc giúp đỡ nhóm và ScrumMaster có thể tự thay đổi. Đừng tạo ra sự phân biệt không có thực giữa “thay đổi ở cấp quản lý” ( bởi các HLV Agile) và “thay đổi ở cấp nhóm” (bởi ScrumMaster).
4. Nếu như chúng ta dùng Kanban/XP/DevOps thì sao?
Scrum không chỉ là một khung làm việc để cải thiện năng lực tổ chức và tạo ra nơi làm việc gắn kết mọi người cùng với các bên liên quan để tạo ra các sản phẩm tuyệt vời. Như Geoff Watts mô tả “Scrum có mục đích điều khiển năng lượng của các nhóm gắn kết, tự chủ và tự tổ chức – những người có trách nhiệm chuyển giao và hợp tác trực tiếp với các khách hàng”.
“Scrum bản thân không chỉ là một mục tiêu. Dù bạn chọn bất cứ loại Khung làm việc hoặc Phương pháp nào, bạn sẽ luôn phải có sự thay đổi liên quan tới tổ chức. Những ai đang ở vị trí tốt nhất để ảnh hưởng lên các thay đổi này, sẽ là một phần của nhóm đang làm việc. Họ có thể có các chức danh như ScrumMaster, Kanban God, XP Dude, DevOps Guru hoặc không có chức danh gì: chúng tôi không quan tâm.
“Thay đổi tổ chức nên được thực hiện từ trong ra ngoài bởi đội ngũ thật sự thuộc về các nhóm”
5. Lời kết
Trong bài này, chúng ta đã giải mã hiểu lầm rằng “ScrumMaster là một HLV Agile cấp thấp”. Thay đổi hiệu quả sẽ xuất phát từ trong ra ngoài. ScrumMaster là một phần của Nhóm Scrum, là vị trí tốt hơn cả để thúc đẩy thay đổi hơn là một HLV Agile (người ngoài). Điều này đã được mô tả trong Hướng dẫn Scrum như là vai trò của một ScrumMaster.
Khi các tổ chức chọn thực thi một quy trình thực nghiệm thông qua Scrum, họ sẽ không cần có các HLV Agile. Thay vào đó, các ScrumMaster nên được thông qua và được hỗ trợ để thúc đẩy quy trình thực nghiệm trên mọi cấp bậc ở trong tổ chức. Nếu họ có thể, và nếu họ thực hiện thì không có vai trò nào là cần thiết để giúp các tổ chức này tạo ra đầu ra có giá trị thông qua Scrum nữa.
Bạn nghĩ gì về hiểu lầm này? Bạn có đồng ý không? Bạn đã học được những gì?
Nguồn: linkedin.com