Agile trong sản xuất phần cứng: Chuyện kể từ WikiSpeed

wikispeed carSẽ thế nào nếu như chiếc xe bạn lái hàng ngày tới công sở chỉ mất có 2.35 lít xăng cho 100km? Joe Justice và những cộng sự ở Wikispeed đã phát triển ra một bản mẫu hướng đến mục tiêu đó (Functional Prototype). Bằng cách sử dụng triệt để phương pháp quản lý Agile, họ đã phát triển mẫu xe này chỉ trong vòng 3 tháng, thay vì phải mất rất nhiều năm nếu thực hiện theo phương pháp sản xuất truyền thống.

Có một vài con số rất đáng chú ý, đó là chiếc xe có thể đạt tới vận tốc 96km/h chỉ trong vòng 5 giây. Chỉ nặng 650kg, và có thể đạt vận tốc tối đa là 240km/h. Nó có thể được tùy chỉnh để có thể phục vụ cho việc từ chạy đường thường và chạy đua.

Trước đây, Justice là một nhà tư vấn phần mềm trẻ ở Seatle. Anh còn là một trưởng nhóm International Wikispeed. Nhóm của anh bây giờ đã có thể sản xuất được các loại xe hơi có tốc độ tốt, giá cả phải chăng, cực kỳ hiệu quả, an toàn vui vẻ với giá chỉ ít hơn 20,000 USD. Nhóm nghiên cứu hiện nay đang tìm các nhà tài trợ thông qua Indiegogo.

Tham gia cuộc thi X-Prize của hãng bảo hiểm Progressive

Làm thế nào để một nhà tư vấn phần mềm như Justice có thể tham gia vào việc xây dựng một chiếc xe hoàn toàn sáng tạo với  một chu kỳ phát triển nhanh chóng như vậy. Vào năm 2008, Justice đã thấy  một quảng cáo về cuộc thi X-Prize của hãng bảo hiểm Progressive với giải thưởng trị giá lên đến 10 triệu đô la nhằm mục đích nhìn thấy hoặc thậm chí có thể xây dựng một xe ô tô chỉ tiêu thụ hết 100mpg (khoảng 2.35 lít xăng cho 100km) mà vẫn đạt tiêu chuẩn an toàn đường bộ. Vào năm 2008, điều gần nhất có thể thấy được là xe trượt bob, có tính kinh tế nhưng lại không thực tế. Nó chỉ chở được 1 người và  không đáp ứng được các tiêu chuẩn an toàn.

Justice đã quyết định tham gia vào cuộc thi X-Prize. Lúc đầu anh chỉ có một mình. Nhưng sau đó đã chia sẻ trên blog về điều mình đang làm và đang tìm hiểu. Qua các mạng xã hội, dự án của anh đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm và chia sẻ của mọi người. Ba tháng sau, anh đã tập hợp được một nhóm gồm 44 thành viên ở 4 quốc gia khác nhau và đã dựng được bản mẫu thiết kế, sau đó tham gia vào cuộc thi X-Prize. Chỉ với rất ít kinh nghiệm về sản xuất ô tô và không hề có sự tài trợ nào về kinh tế, họ đã đạt được thành tích xếp thứ 10, vượt qua hàng trăm đối thủ đến từ các công ty lớn về xe hơi và các trường đại học trên thế giới.

Bí mật về sự thành công của Wikispeed: Agile

Nhóm Wikispeed đạt được tất cả những điều này bằng cách phát triển những chiếc xe hơi giống như cách các đội sản xuất phần mềm sử dụng các phương pháp quản lý căn bản của Agile, Lean và Scrum. Cách tiếp cận này cho phép nhóm nghiên cứu có thể đổi mới nhanh chóng hơn nhiều so với cách sản xuất thông thường.

Quy trình sản xuất hiện tại là rất chậm vì nó rất tốn kém để thay đổi. Nếu một kỹ sư muốn thiết kế lại một cái cửa, anh ta phải đợi 10 năm để có thể trả hết giá trị cả một khuôn cửa, mà để xây dựng nó, phải mất chi phí là 100 triệu đô la, trước khi thực hiện 1 cái khác. Không hề là điều hiếm gặp cho các đội sản xuất phần mềm để có một chu kỳ phát triển trên 10 năm.

Cách phát triển phần mềm truyền thống cũng tương tự như vậy. Các công ty phần mềm lớn với rất ít các chuyên gia làm việc tại các cơ sở chuyên dụng, trải qua nhiều năm lập kế hoạch và thực hiện để sản xuất một sản phẩm nào đó và sau nhiều năm làm việc, kết quả lại hoàn toàn không như những gì họ đã kỳ vọng.

Phát triển phần mềm theo phương pháp Agile đã thay đổi tất cả điều đó. Làm việc trong các chu kỳ ngắn, các nhóm tự-tổ-chức (self-organizing), làm việc theo kiểu mô đun và liên tục đổi mới. Nó chú trọng vào việc dựa trên kinh nghiệm và các phản hồi trực tiếp, liên tục từ khách hàng.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Justice đã sử dụng phương pháp Agile để áp dụng cho dự án xe hơi của mình. Ông đã không biết làm cách nào khác ngoài phương pháp này. Công việc đầu tiên của ông sau khi ra trường là một cửa hàng phần mềm về Agile, công việc tiếp theo là tập trung vào một đội Agile. Khi dự án xe hơi bắt đầu, ông không biết có những cách khác để sắp xếp các công việc ưu tiên hay giải quyết các bài toán phức tạp ngoài phương pháp Agile mà ông đã có nhiều kinh nghiệm.

Sử dụng Agile trong sản xuất tự động

Dù sao, chuyển đổi từ một nhóm sản xuất phần mềm sang phần cứng là một thách thức lớn. Justice đã phải trả lời cho các câu hỏi như: Kiểm thử tự động (Automated Test) sẽ trông ra sao khi áp dụng cho dây an toàn, tính thừa kế (inheritance) được áp dụng cho một khung gầm sẽ là gì? Contract-First development sẽ như thế nào khi áp dụng cho hệ thống túi khí? Bằng cách vượt qua những thử thách đó, toàn bộ đội của ông đã trở nên thành thạo các nguyên tắc thực hành Agile.

Wikispeed có nhiều điểm chung với Salesforce, Google và Twitter hơn so với GM hay Chrysler. Cách sản xuất truyền thống của các đội  phần mềm là thu thập yêu cầu, thiết kế các giải pháp, xây dựng các giải pháp, kiểm tra các giải pháp, sau đó cung cấp các giải pháp. Trong các công ty sản xuất ô tô hiện tại,riêng phần thiết kế của quá trình đã mất nhiều năm, và sau đó thiết kế xe được xây dựng từ 5 đến 14 năm. Điều này có nghĩa là có thể bạn đang mua một chiếc xe mới từ một đại lý và chiếc xe đó là đại diện cho sự hiểu biết của đội ngũ kỹ thuật của những gì khách hàng muốn từ vài thập kỷ trước đây.

Đội Wikispeed sử dụng các mô hình của các đội phần mềm Agile, bằng cách sử dụng Sprint (phân đoạn làm việc ngắn) dài 1 tuần. Nhóm nghiên cứu lặp lại việc xây dựng toàn bộ chiếc xe với chu kỳ 7 ngày. Điều đó có nghĩa là cứ 7 ngày một, họ lại đánh giá lại từng phần của chiếc xe và tái phát minh ra các khía cạnh ưu tiên cao nhất tiếp theo. Điều này hoàn toàn đẩy nhanh tốc độ phát triển.

Thời gian phát triển và chi phí giảm đáng kể

Ngay sau khi X-Prize, vào tháng Giêng năm 2011, Nhóm Wikispeed được mời tham dự triển lãm ôtô lớn ở Detroit, Michigan. Họ biết rằng họ cần một chiếc xe đẹp hơn. Nhưng họ cũng biết rằng một thân xe mới sẽ có chi phí ít nhất là 36,000 USD, và phải mất thời gian hoàn thành là ba tháng. Nhóm nghiên cứu không có tiền hoặc thời gian. Vì vậy, Justice đã xin nghỉ phép một thời gian và đi học về vật liệu tổng hợp. Sau đó, ông đã trở lại đội và họ thực hiện các mô hình nhỏcho chiếc xe. Họ lặp lại một quá trình vật liệu tổng hợp và kết quả là đã xây dựng được thân xe sợi carbon trong ba ngày với chi phí chỉ 800 USD.

Xe của họ đã được đặt trên tầng chính của một triển lãm ô tô, giữa Ford [F] và Chevrolet [GM]. May mắn cho họ, chiếc xe rất đẹp. Chiếc xe sau đó được giới thiệu chính thức trên kênh Discovery, Popular Science, Popular Mechanics, tờ New York Times [NYT], tạp chí National Geographic. Các tờ Wired Magazine, Forbes Billionaire Club cũng đều nói về nó.

Sản xuất Agile (Agile Manufacturing)

Justice giải thích rằng chìa khóa để tăng tốc độ là sử dụng các mô-đun. Động cơ có thể được chuyển từ một động cơ xăng sang một động cơ điện trong thời gian mà chỉ mất để thay đổi một chiếc lốp xe. Thân xe được chuyển từ một xe mui trần thành một chiếc xe tải nhỏ. Điều này cho phép phát triển nhanh chóng. Bộ khung nắm giữ tất cả các mô-đun lại với nhau: đó là khung gầm nhẹ nhất trên thế giới và nó được đánh giá 5 sao về mức độ an toàn.

Chiếc xe được đánh giá là an toàn vì đội của ông đã thiết kế các bài kiểm tra an toàn cho tất cả các bộ phận trước khi chiếc xe được xây dựng. Họ thực hành theo phương pháp phát triển theo mô hình test-driven trong thế giới phần mềm.

Nhóm nghiên cứu cố gắng làm giảm chi phí của việc thay đổi bất cứ khi nào có thể – từ chi phí của các dụng cụ máy móc và độ phức tạp. Điều này có nghĩa là họ không phải mất từ 3 đến 5 năm để có một phiên bản mới của sản phẩm. Họ có thể thay đổi bất cứ phần nào của xe sau mỗi 7 ngày.

Họ sử dụng các đội theo hình thức phân tán có liên kết (distributed collaborative teams). Việc này giúp tăng tốc độ của nhóm. Tinh thần được đẩy lên theo cấp số nhân. Họ tổ chức các đội bằng cách sử dụng Scrum.

Họ làm tất cả các công việc theo cặp. Điều này tránh thời gian dành cho đào tạo những thứ không cần thiết. Nó làm giảm đáng kể việc cần thiết phải viết tài liệu. Những người làm cùng nhau chia sẻ kiến thức trực tiếp trong quá trình làm việc, mà không cần phải up-train những người theo sau.

Họ sử dụng các công cụ miễn phí, như FreeConferenceCall.com, Dropbox,, GoogleDocs, YouTube, Skydrve, Facebook và LinkedIn. Không gì trong số những công cụ này từng tồn tại mười năm trước đây.

Tài trợ cho Wikispeed

Justice đang tìm kiếm “Crowd-Funding” để biến mẫu xe của ông thành một sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ông lo lắng với việc tìm kiếm tài trợ theo cách thức truyền thống, vì các nhà tài trợ có xu hướng kiếm tiền trong thời gian ngắn, trong khi nguyện vọng thực sự của Justice lại theo hướng muốn làm thay đổi thế giới và làm cho nó bền vững về môi trường hơn. Vì vậy, thay vì tìm các nhà tài trợ theo cách truyền thống, ông đang tìm kiếm tài trợ thông qua indiegogo.com, một trang web cho phép mọi người quyên tiền cho các ý tưởng mới.

Với mục đích mang những mẫu xe là bệ phóng để tạo ra những chiếc xe Wikispeed C3 siêu hiệu quả, được mô-đun hóa, tiêu thụ rất ít nhiên liệu đến với tay người tiêu dùng, Justice mong muốn cung cấp dòng xe C3 này như là một xe thành phẩm với giá 17,995 USD và như là một bộ với 10,000 USD.

Wikispeed hiện tại đã có 150 thành viên ở 15 quốc gia để giúp thực hiện điều này. Họ đã làm được một mẫu xe C3 hoạt động hiệu quả với lượng khí thải thấp, ít tiêu tốn nhiên liệu. Mẫu xe này được thiết kế và sản xuất thành 8 phần. Bây giờ họ cần tài trợ để hoàn thiện từng phần từ bản mẫu thành sản phẩm hoàn thiện.

Họ đã bắt đầu “crowd-funding” (kêu gọi quyên góp) với thời gian 2 tháng, mục đích là để quyên được 50,000 USD. Thời hạn của họ là ngày 12/7/2012. Thông tin chi tiết có thể tham khảo ở đây: http://www.indiegogo.com/C3

Tác động đối với sản xuất.

Dù bất cứ điều gì xảy ra với dự án Wikispeed, thì tác động của phương pháp quản lý này là cả một cuộc cách mạng cho ngành sản xuất. Khả năng giúp giảm đáng kể thời gian phát triển những mẫu mới, và khả năng  đổi mới nhanh chóng đã dẫn tới sự thay đổi cho các giai đoạn sản xuất–một dấu hiệu khác của sự chuyển dịch sang nền kinh tế sáng tạo. Tiềm năng của phương pháp này là không chỉ làm biến đổi ngành công nghiệp ô tô, mà còn biến đổi tất cả các ngành sản xuất khác.

Tác giả: Steve Denning | Dịch: Phạm Thùy Dương

Tựa gốc: Wikispeed: Làm cách nào để tạo ra 1 chiếc xe hơi mà chỉ tiêu thụ hết 100mpg (2.35 lít cho 100km) trong vòng 3 tháng

Nguồn: http://www.forbes.com

(Theo HanoiScrum.net)

[sharify] [vivafbcomment]