Bạn có thường xuyên đặt mục tiêu cho mình? Nếu câu trả lời là “không” thì xin chúc mừng bạn! Bạn thuộc về số đông của thế giới. 97% người cũng giống như bạn. Nhưng cũng xin chia buồn. Vì 3% người kia thường đạt được kết quả trong công việc cao gấp 10 lần nhóm người của bạn.
Đặt mục tiêu tốt hơn không đặt mục tiêu
Mục tiêu là một kết quả nào đó trong tương lai mà mình hình dung ra và mong muốn đạt được thông qua một hoặc nhiều hành động giả định. Đặt mục tiêu là bước để cho ra đời một mục tiêu. Câu hỏi ở đây là: Liệu chúng ta có nên làm điều này?
Đặt mục tiêu sẽ tốt hơn không đặt mục tiêu. Chỉ cần câu chuyện về 3% những người có đặt mục tiêu ở trên cũng đủ để khẳng định điều đó. Nhân đây, thử liệt kê ra một số lợi ích của việc đặt mục tiêu.
- Có được một tầm nhìn xa, giúp bạn định hướng và tập trung hơn trong việc tìm tòi các kiến thức, tổ chức thời gian và tài nguyên một cách tối ưu để đạt được điều mình mong muốn.
- Có thêm động lực cho các hành động của mình.
- Tự tin hơn trong các quyết định của mình.
- Hiểu những hành động mà mình cần làm, những khó khăn mà mình cần phải đối mặt.
- Loại bỏ những công việc không mang lại lợi ích thực sự, tập trung cho những công việc có giá trị nhất.
- Nhận diện được thành công hay thất bại của mình, từ đó giúp bản thân ngày càng tiến bộ.
Bạn có biết cách đặt mục tiêu không?
Mục tiêu của tôi là:
– Tôi muốn có một ngôi nhà đẹp.
– Tôi muốn có một chiếc xe ô tô.
– Tôi muốn có sức khỏe tốt.
Bạn có nhận thấy vấn đề gì của ba mục tiêu trên không?
Chắc cũng không khó để thấy rằng chúng quá chung chung, mập mờ. Mập mờ đến nỗi nó có cũng gần như không. Mập mờ đến nỗi nó giống với những ước mơ hơn là mục tiêu. Chúng là những ví dụ tồi về mục tiêu.
Đặt mục tiêu – một việc tưởng dễ mà không dễ. Bởi vì nếu bạn làm không tốt thì nó sẽ không mang lại kết quả gì, thậm chí còn gây khó khăn cho bạn.
Nhưng thực ra, đặt mục tiêu cũng không quá khó, nếu bạn có trong tay một cách làm rõ ràng.
Bạn đã nghe đến tiêu chuẩn mục tiêu SMART chưa? Đó là một tiêu chuẩn thực sự nổi tiếng, phổ biến và hiệu quả đấy. Một mục tiêu mà đạt được SMART thì chắc chắn sẽ là tốt, rất tốt đấy.
Mục tiêu tốt theo tiêu chuẩn SMART
SMART là chữ viết tắt của 5 đặc điểm sau: Specific (Cụ thể), Measurable (Đo được), Archievable (Khả thi), Relevant (Thực tế) và Time-bound (Ràng buộc thời gian). Chúng ta thử tìm hiểu xem SMART giúp chúng ta trở nên hiệu quả hơn như thế nào nhé:
- Specific (Cụ thể): Các khái niệm rõ ràng, có thời gian cụ thể, có địa điểm cụ thể, có chỉ số cụ thể, có lí do cụ thể, có hành động cụ thể.
- Measurable (Đo được): Tiêu chuẩn để đo có thể là định lượng hay mô tả. Nó sẽ giúp bạn theo dõi được tiến độ của công việc và cũng để biết là mình đã hoàn thành nó hay chưa.
- Archievable (Khả thi): Mục tiêu phải nằm trong khả năng của bạn, bởi vì nếu không, nó sẽ khiến bạn nản lòng.
- Relevant (Thực tế): Đặc điểm này rất gần với đặc điểm “khả thi”, tuy nhiên, ở đây nó đảm bảo rằng mục tiêu này là phù hợp và cần thiết cho bạn. Nếu một mục tiêu là khả thi tuy nhiên lại không phù hợp hoặc không cần thiết cho bạn thì đấy không phải là một mục tiêu tốt.
- Time-bound (Ràng buộc thời gian): Mục tiêu phải có khung thời gian xác định. Nó sẽ giúp kiểm tra được tiến độ thực hiện của kế hoạch, cũng như sẽ tạo thêm áp lực cho bản thân trong việc có các hành động cụ thể.
Có được một mục tiêu tốt là đã có được 50% cơ hội thành công. Tuy nhiên, việc hiểu tầm quan trọng của mục tiêu, cũng như việc nhận diện được các đặc điểm của một mục tiêu tốt chỉ mới là bước khởi đầu. Bạn cần học cách đặt mục tiêu và rèn luyện để biến nó thành một kỹ năng sử dụng trong cuộc sống hằng ngày.
Ngoài ra, hiện nay cũng có một phương pháp đặt mục tiêu được đánh giá rất cao, đó chính là OKR (Objective Key Results). OKR cho phép các cá nhân, nhóm hoặc cả doanh nghiệp đặt mục tiêu và hướng tới mục tiêu tốt hơn, từ đó đem lại hiệu quả cao hơn. Cụ thể về OKR, mời bạn đọc tìm hiểu thêm tại đây!