Thiền và Stress

Một tuần, một tháng, một năm và từ khi sinh ra trên cõi đời này, có bao nhiêu ngày bạn cảm thấy thực sự vui vẻ, bình an, hạnh phúc và thảnh thơi?

Trong một ngày có bao nhiêu giờ, bao nhiêu phút, bao nhiêu giây bạn thấy mình thực sự vui sống, an lạc và hạnh phúc?

Hầu hết thời gian chúng ta để lo lắng. Lo con cái, lo công việc, lo chi tiêu, lo kiếm tiền, lo dự án, lo kế hoạch, lo thăng tiến … Có hàng trăm mối lo lắng cứ xoay vần quanh bạn.

Hầu hết thời gian chúng ta dành để than phiền. Than phiền vì người đồng nghiệp không dễ chịu với bạn. Than phiền vì điều kiện làm việc của công ty này không bằng công ty kia. Than phiền rằng người bạn đời không biết chăm lo và yêu thương bạn.

Hầu hết thời gian chúng ta dùng để mơ mộng. Mơ một kỳ nghỉ đẹp đẽ như mấy đứa bạn mới khoe trên facebook. Mơ một đứa con ngoan và học giỏi như một thần đồng vừa được báo chí tung hô. Mơ một cuộc sống đầy đủ như một tỉ phú, muốn mua gì cũng được.

Hầu hết thời gian chúng ta dùng để tiếc. Tiếc một thời trẻ trung tung tẩy, vì giờ thì vướng bận gia đình. Tiếc những cảm giác dễ chịu đã qua. Tiếc những thời gian vui vẻ mà giờ chỉ còn là ký ức, mà không biết vào cái lúc ký ức đó, bản thân bạn đâu cảm nhận hết được niềm vui.

Khi công việc ngày càng đòi hỏi tốc độ, năng suất và hiệu quả; sự căng thẳng càng nhiều, mỗi ngày đến công ty lại thấy bầu trời là một màu u ám.

STRESS xuất hiện. Chào mừng bạn đến với thế giới CĂNG THẲNG, ỨC CHẾ và TRẦM CẢM!

Thiền và Stress

THIỀN là gì?

Một hơi thở, hướng tâm vào bên trong, theo dõi hơi thở đi vào đi ra – sau 5 giây, bạn sẽ cảm thấy được sự an tâm đang đến. THIỀN là quay về bên trong để chăm sóc tâm của mình, hướng tâm đến sự an tịnh và sáng suốt.

THIỀN mang lại cho con người ba trạng thái thần tiên từ bên trong:
⇒    Sự hài lòng – Contentment
⇒    Bình an từ bên trong – Inner peace
⇒    Chăm sóc một cách tự nhiên – Caring

Thực hành THIỀN thế nào?

Có nhiều phương pháp thiền, nhiều trường phái thiền và nhiều cách thực hành thiền. Các bạn có thể tham khảo:

1.    Thiền Kim tự tháp
2.    Thiền Vipassana
3.    Thiền Dhamma
4.    Thiền Đạo Phật
5.    Thiền Tiếp hiện – một dòng thiền của Làng Mai do thầy Thích Nhất Hạnh sáng lập
6.    Thiền Hiểu biết – dòng thiền do thầy Thích Minh Niệm sáng lập

Và nhiều dòng thiền khác mà bạn có thể tìm thấy trên mạng.

BƯỚC 1 – THAY ĐỔI Ý THỨC

  • Trong một thời điểm chỉ tập trung làm một việc cho đến khi hoàn thành một giai đoạn hoặc hoàn thành tất cả. Monotasking sẽ giúp tăng năng suất lên gấp đôi có khi là gấp ba lần so với multitasking.
  • Khi gặp một việc không như ý (một việc khiến bạn khó chịu hoặc tức giận) hãy quay vào bên trong và theo dõi hơi thở, việc gì rồi cũng sẽ qua đi.
  • Không gắn cảm xúc vào sự việc, nhìn nhận sự việc như nó vốn là như vậy, sẽ hạn chế được những bức xúc không cần có.
  • Cuộc sống vô thường, sự thay đổi luôn diễn ra mọi lúc mọi nơi, trong con người bạn, môi trường xung quanh và mọi người xung quanh bạn.
  • Khi bạn bình an và hạnh phúc, những người xung quanh cũng cảm nhận được năng lượng an lành đó. Nhất là trẻ em, con của bạn sẽ nhận được tình yêu thương và năng lượng bình yên từ sự bình yên của bạn.
  • Điều quan trọng nhất là không ai yêu thương bạn bằng chính bạn, đừng để cảm xúc tiêu cực hành hạ trái tim và tâm hồn của mình. Mọi đau khổ trên đời đều do mình lựa chọn tiếp nhận hoặc không tiếp nhận. Mọi tác động bên ngoài đều không bị ảnh hưởng nếu nội lực bên trong của bạn thực sự mạnh mẽ và trong lành.

BƯỚC 2 – THỰC HÀNH THIỀN

  • Quay về thực tại và theo dõi hơi thở: hít một hơi thở dài và thở ra nhẹ nhàng, tiếp tục hơi thở thứ 2, thứ 3, … cho đến thứ 10 thì quay lại hơi thở 1.
  • Tư thế ngồi: bạn có thể ngồi trên ghế, ngồi dưới sàn nhà. Bạn có thể ngồi có gối hoặc không cần gối. Bạn có thể ngồi theo các tư thế: ngồi chân chữ ngũ, ngồi bán già, ngồi kiết già hoặc ngồi theo kiểu quỳ của người Nhật.
  • Mở mắt hay nhắm mắt: bạn có thể mở mắt và thiền, hoặc nhắm mắt tùy theo điều kiện tại nơi bạn ngồi. Nhắm mắt thì giúp bạn định tâm dễ hơn.

Thiền và Stress

  • Tại nơi làm việc: sau mỗi 25-30 phút làm việc, hãy nhắm mắt theo dõi 10 hơi thở, uống một cốc nước, sau đó tiếp tục làm việc theo đúng checklist đã định sẵn.
  • Tại nhà:
    • Khi đánh răng: hít thở và chú ý vào sự chuyển động của bàn chải trên răng của bạn
    • Khi nấu ăn: hít thở và quan sát những diễn biến của công việc đang thực hiện.
    • Khi chơi với con: hít thở và quan sát những lời mình nói, những điều mình nghĩ; bạn sẽ không bao giờ bực mình vì điều con trẻ gây ra và bạn thực sự thấy mình ở đó với một tình yêu thương rộng lớn khi bạn hiểu được diễn biến trong tâm mình.
    • Khi xem tivi: xem một lúc, nhắm mắt và hít thở, bạn sẽ quay lại đúng nội dung đang chiếu trên màn hình.

BƯỚC 3 – CẢM NHẬN SỰ THAY ĐỔI

  • Điều dễ nhận ra nhất là bạn bắt đầu biết đến hơi thở của mình, mà từ trước đến giờ bạn không chú ý.
  • Bạn tập trung dễ hơn sau khi hít thở có chủ đích và quan sát hơi thở.
  • Bạn tĩnh tâm và rộng lượng hơn với mọi điều xảy ra xung quanh.
  • Điều quan trọng nhất là bạn nhận ra thiền đơn giản là theo dõi hơi thở của chính mình, đó là lúc bạn đang theo dõi nhịp sống của mình.

Bao nhiêu căng thẳng và mệt mỏi qua đi khi bạn quay vào bên trong, theo dõi hơi thở của chính mình. Công việc như nhẹ nhàng và đáng yêu hơn bao giờ hết. Cuộc sống như dễ chịu và dịu dàng hơn bao giờ hết. Hãy thực hành thiền ngay bây giờ, nào cùng hít thở và nở một nụ cười mến thương.

Phan Thị Thanh Lương

[sharify] [vivafbcomment]